Đời xiếc rong - Kỳ 1: Rã gánh sau mùa mưa gió

22/09/2011 06:18 GMT+7

Những tay xiếc “giang hồ” mang theo những pha diễn xuất quỷ nhập thần vẫn tồn tại trong cuộc mưu sinh lây lất rày đây mai đó. Có một thế giới mà ở đó, nghệ thuật được nuôi dưỡng bởi những kiếp đời lang bạt...

Diễn bằng... máu

“Tiếp theo là tiết mục biểu diễn đòi hỏi sự khổ luyện, hy sinh của người diễn viên được đoàn chúng tôi mang về phục vụ cô, bác, anh, chị… xã nhà…”. Anh chàng diễn viên mình trần trùi trụi, nước da đen thâm bước ra sân khấu. Sau những động tác ra bộ, lấy tinh thần, anh đưa chiếc cổ nổi cục tròn ra cho bạn diễn dùng thanh sắt… lụi qua yết hầu. Đám đông khán giả bên dưới phấn chấn tột độ. Có giọng con nít khóc thét lên. Tiết mục kế tiếp với phần dùng 2 két nước ngọt (chỉ còn vỏ chai) cột vào thanh sắt đang xuyên qua cổ anh chàng diễn viên. Mấy lần không thành công tưởng anh chàng sẽ bỏ cuộc, cuối cùng anh cũng gồng mình đứng dậy, khó khăn nâng lên 2 chiếc két lủng lẳng trên cổ. Mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng trần. Đứng gần sân khấu, người ta thấy cả những giọt máu chảy ra từ chiếc cổ bị kéo giãn bởi vật nặng…

Đó là một trong những tiết mục “ăn tiền” của gánh xiếc - ảo thuật Hải Long Sao Đỏ mà chúng tôi bắt gặp lúc họ lưu diễn tại Sóc Trăng. Những tiết mục đến mức liều lĩnh như thế đang góp phần làm nên sự khác biệt của đoàn này trong thời tan tác của các gánh xiếc rong. Nhiều người băn khoăn không biết những pha diễn “lấy máu” như thế có thể được gọi là “nghệ thuật” hay không? Hay chỉ đơn thuần một người đứng trên sân khấu trổ tài làm một việc phi thường tác động mạnh vào cảm xúc của số đông người xem hiếu kỳ?

Bên ly cà phê khuya ở một quán cóc ven sông, Hoàng Minh Tấn (quê Trà Vinh), anh chàng diễn viên có tiết mục rùng rợn ấy cười với chiếc cổ còn rịn máu: “Bình thường thôi anh. Em có luyện mà. Có chảy máu thì em mua thuốc sát trùng thoa là hết. Quan trọng là đêm nay đoàn bán được nhiều vé…”. Với tiết mục như thế, Tấn được trả thù lao 120 ngàn đồng. Nhưng điều anh thực sự quan tâm là đoàn vẫn còn có cái đắp đổi để duy trì trước khi nhổ neo sang bến khác. Chứ cứ sợ mưa gió không diễn được, hay trả vé mãi như mấy hôm rày, có lẽ ông bầu cũng dẹp sân khấu. Lúc ấy những người như anh biết phải về đâu?

Bầu đoàn tan tác

Nghệ sĩ Trọng Kha, Trưởng đoàn xiếc, ảo thuật Hương Xuân (Vĩnh Long) nói, qua mỗi mùa mưa gió là mùa những đoàn xiếc rong “mất tích”. Mỗi năm tới mùa nắng, các ông bầu gom quân đi lưu diễn thì lại thiếu người. Các chủ đoàn cố gắng bám trụ, còn những diễn viên thì rải rác đâu đó, mỗi người một cảnh. Ông Nguyễn Văn Khoai, Phó phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT-DL Vĩnh Long cho biết ông cảm thấy tiếc vì sự “bốc hơi” của đoàn xiếc “Người bay” độc nhất vô nhị, từng nổi đình đám từ Bắc chí Nam. Ông bầu nổi tiếng Ngọc Giao, người phần lớn cuộc đời gắn bó với sân khấu xiếc ngậm ngùi: “Cùng với sự rã gánh của các đoàn, sự ra đi của nhiều diễn viên xiếc, ảo thuật tiền bối, có những tiết mục nổi tiếng một thời cũng bị mai một. Nhiều tuyệt kỹ của nghề xiếc, ảo thuật bị thất truyền là những mất mát không thể đo đếm được. Nó họa chăng chỉ tồn tại trong ký ức của những khán giả, hay sự tiếc rẻ của những người làm nghề”.

Nghệ sĩ xiếc Minh Tân, một cao thủ trong nghề xiếc công phu với tuyệt chiêu nuốt kiếm, tự hào rằng trong số hàng trăm đệ tử mà ông đào tạo nên, còn rất nhiều người vẫn “lăn lộn” với nghề. Trong đó có những người giỏi, thành đạt, sử dụng những gì thầy dạy để kiếm cơm và phát triển được nghề. Nhưng cũng có những người sống đời thắt ngặt phải quay về nương náu nhà ông. Dù rất khó khăn nhưng nhà ông lúc nào cũng “chứa” hàng chục đồ đệ. Bản thân ông cũng có đoàn xiếc lưu diễn khắp nơi, một thời nổi đình nổi đám nhưng bây giờ cũng “tan tác chim muông”.
Đoàn Hải Long Sao Đỏ được lèo lái bởi bầu trẻ Hoàng Long. Người từng có thời gian theo đoàn Ngọc Giao bôn ba khắp nơi, cho đến khi đoàn này giải tán. Trong mùa, hầu hết các gánh xiếc đều cất sân khấu, xếp đạo cụ, diễn viên đi làm nghề khác kiếm sống thì bầu Long vẫn kiên trì dẫn dàn diễn viên với sân khấu xác xơ lưu diễn khắp các xóm làng miền Tây. Theo anh là để “giữ diễn viên” có đất diễn, có cơm ăn…

Mới đây, bãi đất vừa ráo sình sau trận mưa dầm của nhà ông Sáu (ấp Kiết Lập A, Lâm Tân, Thạnh Trị, Sóc Trăng) đông nghẹt người, khiến  bầu Hoàng Long vui mừng quá đỗi. Rốt cuộc họ cũng được một đêm “tổ đãi”.

Đêm diễn được bán vé khá “mềm”: 20 ngàn đồng/vé người lớn, 10 ngàn đồng/vé trẻ em. Khán giả sẽ được xem các tiết mục như xiếc khỉ, xiếc công phu, múa lửa, người độn thổ, nuốt lưỡi lam, biến không thành có - biến có thành không, ca nhạc, hài… Gánh xiếc nghèo với tiền thù lao còm cõi, nhưng các diễn viên luôn diễn hết mình. Bởi trong thời buổi khó khăn, đã có quá nhiều đoàn xiếc rong rã gánh rồi. Những đoàn “còn sống” luôn dặn mình phải diễn cho tốt để mà tồn tại.

Lăn lộn với nghề

Có một thời, các đoàn xiếc mọc lên như nấm sau mưa. Có những đoàn được đầu tư bài bản, mời được những tên tuổi lớn trong làng xiếc, ảo thuật VN diễn những tiết mục đỉnh cao đã làm thỏa mãn khán giả. Trong thời “ăn nên làm ra” ấy, nhiều diễn viên và cả các anh làm hậu đài trong các đoàn xiếc cũng muốn “ra riêng” làm bầu. Không đủ tài lực, nhân lực, nhiều gánh xiếc chỉ còn là những nhóm ô hợp, lừa phỉnh khán giả. Có khi giới thiệu hàng chục tiết mục “giựt gân”, nhưng thực diễn chỉ vài ba trò rẻ tiền. Bên cạnh đó, không ít đoàn làm nghề bụi bặm, xen kẽ cờ bạc trá hình, những gánh sơn đông mãi võ bán thuốc dỏm… đã làm thất vọng không ít những khán giả chân tình. Những đoàn gánh tóp teo, rồi “ra đi không lời từ biệt”.

Trong bức tranh không có đường chân trời ấy, thỉnh thoảng lại nghe người ta kháo nhau có anh bầu nọ vừa trúng độc đắc, anh bầu kia về quê bán đất để lập lại đoàn… Bản thân từng người trong số họ chưa hẳn đã “ưa” nhau, nhưng có người đã bật khóc khi nghe đoàn xiếc A, đoàn xiếc B sẽ được gầy dựng lại.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.