Phim kinh dị Việt gây... cười!

20/09/2011 23:31 GMT+7

Phim kinh dị Việt Nam xem chỉ có... cười, chủ yếu do bị kiểm duyệt quá gắt.

Bốn năm trước, Mười của Hãng phim Phước Sang hợp tác với Bily Pictures (Hàn Quốc) sản xuất, và loạt phim kinh dị của hãng Chánh Tín Film: Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Chết lúc nửa đêm, Bốn thí nghiệm đêm tân hôn... tạo nên nét mới cho điện ảnh Việt khi bắt đầu khai thác thể loại phim kinh dị.

“Nóng” nhu cầu kinh dị

Nhu cầu xem phim kinh dị của khán giả Việt ngày càng tăng khiến những nhà sản xuất bắt tay vào thực hiện Khi yêu đừng quay đầu lại, Bóng ma học đường, Giao lộ định mệnh, rồi Giữa hai thế giới... Sắp tới, hàng loạt phim kinh dị sẽ ra rạp như Lời nguyền huyết ngải, Bẫy cấp 3, Ngôi nhà trong hẻm, còn Con ma nhà họ Hứa của hãng Phước Sang thì chuẩn bị khởi quay vào đầu năm 2012.

 
Hoàng Sơn (Trùm ma), Hoài Linh (Nam Linh) và Đinh Ngọc Diệp (Thanh Mai) trong phim Bóng ma học đường - Ảnh: GALAXY

Việc sáng tác và sản xuất phim kinh dị trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm nhiều cảm giác khác nhau - trong đó có cảm giác hồi hộp, sợ hãi - của khán giả. Tuy nhiên, trong các phim kinh dị “made in Viet Nam”, chỉ trừ Giao lộ định mệnh do Victor Vũ đạo diễn là mang không khí “kinh dị” (nhưng tiếc thay, bộ phim này lại bị phát hiện “đạo” Shattered của Mỹ), còn lại hầu như khi xem xong khán giả chỉ... cười. Một phần do câu chuyện và không khí của bộ phim chưa gây được cảm giác mạnh cho người xem, một phần do không ít đạo diễn đã chủ trương đưa chất hài vào phim, phần nữa là các phim có kết cuộc na ná nhau.

Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - Motion Picture Association of America (MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim áp dụng trên toàn lãnh thổ trước khi lưu hành rộng rãi nhằm đảm bảo nội dung và tính chất của phim đúng với đối tượng người xem. Đây cũng là hệ thống được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để phân loại phim cho các đối tượng: trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. MPAA chia phim thành nhiều loại: G (có thể chiếu rộng rãi); PG (cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ); R (không dành cho người dưới 17 tuổi); Hard R (phim quá bạo lực, dung tục, gợi dục, trẻ em dưới 18 tuổi không nên xem).

Các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á đã áp dụng phương pháp phân loại phim gồm: Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Trung Quốc.

“Cái gì dính tới... ma là không làm được”

Nhà sản xuất phim T.N nhận định: “Việt Nam rất khó và sẽ chẳng bao giờ làm ra được những bộ phim kinh dị đúng nghĩa, vì chi phí đầu tư thấp cùng hàng rào kiểm duyệt phim quá nghiêm ngặt. Nếu chỉ chi khoảng 3 hay 4 tỉ đồng thì đừng bao giờ làm phim kinh dị, bởi số tiền đó chẳng đủ để tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng cũng như kỹ thuật hậu kỳ đạt chuẩn”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang thực hiện phần hậu kỳ Lời nguyền huyết ngải thì cho rằng: “Hàng rào kiểm duyệt hiện nay gây trở ngại lớn cho việc sáng tạo. Để làm được một bộ phim kinh dị đúng nghĩa cần yếu tố bạo lực, lo âu, đánh vào nỗi khiếp sợ của con người. Hội đồng duyệt nên phân loại phim theo từng cấp độ như các nước đang làm, không nên cắt xén nát hết bộ phim”.

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất loạt phim Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Chết lúc nửa đêm... Nguyễn Chánh Tín thở dài: “Ở Việt Nam cái gì dính tới... ma là không làm được. Muốn làm phim ma hay kinh dị phải rất thận trọng, phải có kịch bản mang tính “xây dựng”, đưa ra bài học sâu sắc. Vì vậy kết cuộc phim ma đều na ná nhau: hồn ma thực ra do người này giả dạng để hù dọa người khác nhằm đạt được mục đích, âm mưu nào đó. Như thế mới được duyệt”. Nhà sản xuất phim Phước Sang nhận xét: “Không ai dám làm cho “tới”, vì những đoạn nào quá “hãi” chắc chắn bị cắt”.

Đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt thực hiện gần như cùng lúc 2 phim kinh dị: Bẫy cấp 3 và Ngôi nhà trong hẻm, chuẩn bị ra rạp trong thời gian tới. Trả lời báo giới, đạo diễn Kiệt khẳng định phim kinh dị anh làm chỉ dựa vào nội dung và âm thanh, ánh sáng để thu hút khán giả, không khai thác cảnh bạo lực đầy máu me hay cảnh ma quái trên phim nên hy vọng vượt qua được hàng rào kiểm duyệt.

Phim kinh dị mà chẳng kinh dị

Đạo diễn Lê Bảo Trung nhận xét: “Phim kinh dị mà xem chẳng kinh dị là thực trạng chung hiện nay. Nếu làm đúng thể loại này sẽ vi phạm Luật Điện ảnh: không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan... Tuy nhiên, đề tài kinh dị luôn được khán giả ưa thích. Bằng chứng là sân khấu kịch sống khỏe với đề tài về ma quỷ. Theo tôi, nên phân loại phim như các nước từng làm sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho những người làm phim hơn”.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.