Đâu là giải pháp căn bản hạn chế tội phạm thanh thiếu niên?

20/09/2011 14:03 GMT+7

Trước một thực tế chúng ta phải nghiêm túc xem xét là tỷ lệ tội phạm mà đối tượng độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng diễn biến phức tạp, có ý những ý kiến trái ngược nhau về hình phạt dành cho loại đối tượng này. Vậy đâu là giải pháp căn bản hạn chế tội phạm thanh thiếu niên?

Theo Vụ Thống kê tổng hợp (Tòa án Nhân dân tối cao), trước đây tỷ lệ tội phạm hình sự có độ tuổi trên 30 bị đưa ra xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm chiếm tới 70%, nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 60%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lại là sự gia tăng của tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên (nhất là từ 14- 30 tuổi).

Trong năm 2009, tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi 18 - 30 chiếm 34,5% (35.435 bị cáo), trong khi đó tỷ lệ này ở độ tuổi trên 30 là 59,3%. Năm 2010, độ tuổi 18- 30 có tỷ lệ phạm tội tăng lên mức 40% (34.846 bị cáo) và độ tuổi trên 30 giảm xuống còn 55,2%.

Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, tụ tập thành các băng nhóm côn đồ gây án với động cơ, mục đích khác nhau vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 tháng đầu năm 2011 trên phạm vi cả nước, các băng nhóm này sử dụng vũ khí (súng AK, súng tự tạo, dao, kiếm) gây ra 107 vụ xô xát, tăng 51 vụ so với cùng kỳ năm 2010, chiếm 34% so với tổng số vụ phạm pháp xảy ra trên cả nước.

Hình phạt nào là phù hợp?

Trên các diễn đàn, báo chí, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức hình phạt đối với thanh thiếu niên phạm tội như hạ độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự xuống mức dưới 16 tuổi.

Những người nêu ý kiến này cho rằng chỉ có như vậy mới thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, mới có tác dụng răn đe hiệu quả.

Người ta dẫn thí dụ gần đây nhất: Lê Văn Luyện, kẻ thủ ác khi sát hại nhiều người trong cùng 1 gia đình ở Bắc Giang thì phải chịu mức án cao nhất là tử hình, dù Luyện chưa đủ 18 tuổi.

Về vấn đề tội phạm vị thành niên Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hải, chuyên gia tội phạm học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, luật pháp bao giờ cũng có tính nhân đạo, giúp cho xã hội văn minh hơn và vẫn đảm bảo phòng ngừa tội phạm. Luật pháp nước ta quy định người vị thành niên (dưới 18 tuổi) mà phạm tội thì sẽ không phải chịu mức án cao nhất. Điều này cũng phù hợp với tất cả các văn bản luật, công ước quốc tế.

Trong khi đó tâm lý chung (thường do cảm tính) lại  muốn hung thủ phải chịu mức án cao nhất trong những trường hợp này. Theo Tiến sỹ Hải, nếu thay đổi quy định này, pháp luật sẽ mất tính nhân đạo, yếu tố đảm bảo cho một xã hội văn minh, nhân văn. Do đó không phải cứ tăng mức hình phạt (trừ một số hành vi phạm tội đặc thù như buôn lậu ma túy) thì số lượng tội phạm sẽ giảm mà điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường phòng chống tội phạm, cùng với đó là tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế xã hội khác.

Bà Bùi Ngọc Dung, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho rằng pháp luật quy định dưới 18 tuổi không phải chịu án tử hình, bên cạnh đó còn có sự phân cấp các mức án cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Chúng ta không thể làm trái. Vì vậy việc quan trọng vẫn phải là lấy giáo dục để phòng ngừa tội phạm.

Theo Giáo sư Lê Văn Cảm (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân chính khiến tình trạng thanh thiếu niên phạm tội nhiều là do giáo dục chưa tốt từ cả ở gia đình, nhà trường và xã hội. Ông nhấn mạnh phải tiếp tục tăng cường giáo dục toàn diện, phù hợp để thanh thiếu niên hiểu biết luật pháp, quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội… Từ đó mới hướng nhận thức, tình cảm của lứa tuổi này vào những hoạt động có ích cho xã hội, cho gia đình và cho chính sự phát triển của bản thân mỗi thanh thiếu niên.

Tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên

Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết việc tuyên truyền pháp luật hình sự trong toàn dân nói chung và đối với thanh thiếu niên nói riêng là một trong những nội dung được các địa phương chú trọng thực hiện. Đồng thời thanh thiếu niên cũng cần biết được quyền và nghĩa vụ của mình ở những lĩnh vực khác để phát huy toàn diện ý thức chấp hành luật pháp.

Tuy nhiên do chưa có sự liên kết giữa các cơ quan bằng cơ chế, chính sách và việc phổ biến pháp luật chưa có trọng điểm, mang nặng tính lý thuyết,… nên hiệu quả thực hiện vấn đề này chưa cao.

Nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, cuối năm 2010, xét đề nghị của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên trong giai đoạn 5 năm tới.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật cho biết việc thực hiện Đề án sẽ tập trung giải quyết những hạn chế của công tác phổ biến pháp luật cho thanh niên trước đây. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ hoàn thiện cơ chế triển khai để công việc diễn ra thường xuyên, liên tục, hiệu quả hơn. Tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến giáo dục cho thanh thiếu niên…

Việc lựa chọn các hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của thanh thiếu niên cũng được Đề án coi trọng thực hiện. Ngoài ra việc xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm về trật tự xã hội để nâng cao tính răn đe của pháp luật… cũng được tăng cường.

Bên cạnh việc tăng cường phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên, các cơ quan liên quan cần phải lập kế hoạch và thực hiện hiệu quả những chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên về mọi mặt từ bồi dưỡng văn hóa, khuyến khích thanh thiếu niên học tập, lao động, hỗ trợ việc làm, vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết 45 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên trong thời kỳ CNH - HĐH.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.