Có cần phiếu kiểm soát lái xe?

17/09/2011 00:23 GMT+7

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa gửi kiến nghị lên Bộ GTVT, phản đối đề xuất cấp phiếu kiểm soát lái xe của Bộ Công an.

Nếu xử lý vi phạm nghiêm túc và minh bạch, không cần thiết ban hành phiếu kiểm soát lái xe - ảnh: Ngọc Thắng

Ít nhất phải chi phí 600 tỉ đồng

Ban hành phiếu KSLX sẽ tăng thủ tục hành chính, gây thêm phiền hà, khó khăn, tốn kém cho người dân

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội, việc ban hành phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) từng được đưa ra nhiều lần trước đây nhưng không khả thi. Năm 1978, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Thông tư 03, quy định bỏ giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn để cấp bằng lái xe không thời hạn kèm theo phiếu kiểm soát lái xe có thời hạn, áp dụng chung với cả người lái xe mô tô và ô tô. Tuy nhiên, sau nhiều thay đổi, đến năm 1990, Bộ Nội vụ khi đó đã có tiếp Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung, nêu rõ “để phù hợp với tình hình mới, không gây phiền hà cho nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ theo đề nghị của các địa phương”, theo đó bỏ phiếu kiểm soát lái xe, đổi tên bằng lái xe thành GPLX.

Theo số lượng thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, tính đến tháng 8.2011, cả nước đã có 27,7 triệu giấy phép lái xe mô tô và gần 3 triệu giấy phép lái xe ô tô. “Ban hành phiếu KSLX sẽ tăng thủ tục hành chính, gây thêm phiền hà, khó khăn, tốn kém cho người dân”, ông Hùng nói.

Cũng theo hiệp hội, khi ban hành phiếu KSLX phải có bộ phận quản lý theo dõi và in phiếu kiểm soát lái xe, nếu nguồn thu từ dân (phương án thấp nhất là 20.000 đồng/phiếu), thì người dân cũng phải đóng góp số tiền trên 600 tỉ đồng.

 Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các phiếu KSLX nên áp dụng với một số phương tiện được xác định nguy cơ cao về tai nạn giao thông, gây ách tắc như xe khách, container, sơ-mi rơ-moóc, taxi... 

Ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an)

“Mức tiền phạt theo Nghị định 34 đã khá nặng, cùng với đó một số vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn hoặc có thời hạn, theo tôi đủ sức răn đe các lái xe vi phạm, nếu các ngành chức năng thực hiện việc xử phạt nghiêm túc và minh bạch”, ông Hùng nói.

Cụ thể, theo luật, người bị tước bằng lái có thời hạn 60 ngày phải được cơ quan công an tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) trước khi nhận lại bằng, người bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn thì sau 12 tháng mới được làm thủ tục học và sát hạch để lấy GPLX mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc tiến tới quản lý lái xe bằng hệ thống phần mềm dữ liệu, việc cấp giấy phép con là không cần thiết.

Bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an lấy ý kiến các bộ, ngành về phiếu KSLX cho biết, hai bộ vẫn đang bàn về biện pháp quản lý với người lái xe vi phạm. “Có nhiều hình thức để quản lý, phiếu KSLX là một hình thức. Nhưng tên phiếu KSLX vẫn chưa có trong Luật GTĐB, Vụ Pháp chế đã có báo cáo lên Bộ trưởng về vấn đề này, nên nếu ban hành phải sửa luật”, bà Hiền nói.

Phiếu kiểm soát lái xe là gì?

Cách đây hơn 1 tháng, tại hội nghị bàn về các biện pháp giảm ùn tắc giao thông, Bộ Công an đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu ban hành phiếu KSLX cho các phương tiện giao thông (nhưng khuynh hướng là chỉ áp dụng đối với ô tô). Sau đó, Bộ GTVT đã giao cho Vụ Pháp chế lấy ý kiến của các cơ quan chức năng nghiên cứu về tính pháp lý của đề xuất trên.

Theo đề xuất của Bộ Công an, phiếu KSLX sẽ do lực lượng công an cấp và có thời hạn là 3 năm. Khi phát hiện người lái xe vi phạm luật giao thông thì lực lượng CSGT sẽ ghi vào tờ phiếu này để xử lý và thu giữ tờ phiếu đó nộp cho phòng CSGT để theo dõi giáo dục. Nếu bị thu giữ hết 3 tờ phiếu ghi vi phạm luật giao thông trên phiếu kiểm soát lái xe thì tài xế phải tới phòng CSGT để xem xét cấp phiếu kiểm soát lái xe khác hoặc bị xử lý thu hồi giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không có thời hạn tùy theo tính chất mức độ vi phạm.

Thực tế, theo Hiệp hội Vận tải ô tô VN, nếu ban hành phiếu KSLX phải sửa Luật GTĐB. Ngoài ra, việc ban hành phiếu KSLX cũng không phù hợp với GPLX của các nước mà VN đã ký cam kết công nhận GPLX của nhau.

Bộ Công an: “Ưu điểm hơn bấm lỗ”

Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 16.9, ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho biết, đề xuất về việc ban hành phiếu KSLX của Bộ Công an đang gặp khá nhiều ý kiến của các ngành có liên quan. “Mỗi phương án kiểm soát về an toàn giao thông khi được đề xuất, đặt ra đều sẽ gặp những ý kiến trái chiều là chuyện bình thường. Để có quyết định cuối cùng, các cơ quan chắc chắn còn phải ngồi với nhau nhiều lần để có sự thống nhất. Với quan điểm của cơ quan đề xuất, Bộ Công an vẫn cho rằng đây là một giải pháp có hiệu quả nhằm thực hiện Chủ trương của Chính phủ về an toàn giao thông”, ông Quân cho biết.

Trước câu hỏi về việc cấp phiếu kiểm soát có đi ngược lại với việc Bộ Công an đang cố gắng cắt giảm các thủ tục gây phiền hà cho dân, ông Quân cho biết việc cấp phiếu sẽ được thực hiện đồng thời với việc cấp giấy phép lái xe và được cấp miễn phí nên sẽ không gây tốn kém cho người dân. Mặt khác, các phiếu này có nhiều ưu điểm so với việc bấm lỗ trên bằng lái như trước đây: Trên phiếu sẽ ghi lỗi, thể hiện thời hiệu để nhận biết tài xế nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật hay không. Nếu cố tình tái phạm, tùy theo tính chất mức độ mới bị thu bằng lái. “Như vậy sẽ rất công bằng”, ông Quân nói.

Thực tế, năm 2000 ngành công an cũng đã đề xuất với Bộ GTVT việc nghiên cứu ban hành phiếu KSLX, Bộ đã giao cho Cục Đường bộ VN nghiên cứu. Để tránh tình trạng 2 cơ quan cùng quản lý, đa số ý kiến đề xuất, cơ quan nào cấp GPLX cơ quan đó cấp phiếu KSLX. Tuy nhiên, phiếu KSLX đã không được ban hành và thay bằng việc bấm lỗ GPLX. Việc bấm lỗ thực hiện từ năm 2003 đến năm 2007 cũng đã phải dừng lại do người dân không đồng tình.

“Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các phiếu KSLX nên áp dụng với một số phương tiện được xác định nguy cơ cao về tai nạn giao thông, gây ách tắc như xe khách, container, sơ-mi rơ-moóc, taxi...”, ông Quân nói.

Mai Hà - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.