Bình tĩnh khi dạy trẻ lên 3

16/09/2011 17:53 GMT+7

Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu có ý thức về bản thân, bắt đầu so sánh mình với người lớn, muốn giống người lớn và làm những việc như người lớn, chẳng hạn như “Con tự xúc cơm” hay “Con tự rửa tay”...

Đây là một dấu hiệu phát triển rất đáng mừng. Tuy nhiên, do muốn làm theo ý mình, muốn tách mình ra khỏi người lớn nên ở trẻ lại xuất hiện tính bướng bỉnh. Đồng thời, đứa trẻ muốn có thẩm quyền đối với mọi vật xung quanh, cái gì cũng giành về mình nên tính ích kỷ có dịp phát triển. Trong tâm lý học gọi đây là thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý của tổng đài 1088, Phạm Thị Lê Chi thì đây là một hiện tượng tâm lý bình thường và tất yếu. Vì vậy các bậc phụ huynh cần bình tĩnh khi đối mặt với các hành vi của trẻ, chớ nên quy chụp cho bé là hư, láo, càng không nên quát mắng, nhất là đánh. Điều đó chỉ làm các bé thêm căng thẳng, có khi bộc phát, trở nên hung dữ hơn. Chiều chuộng theo mọi yêu cầu của con cũng không đúng, nó chỉ giúp củng cố thêm những hành vi tiêu cực ở bé khi nó nhận thấy khóc lóc, ăn vạ hay đập phá là cơ hội để được bố mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi.

Không hiểu trẻ, người lớn sẽ chủ quan áp đặt mong muốn của mình cho trẻ, như thế rất dễ đẩy trẻ lún sâu hơn vào cái gọi là “khủng hoảng của tuổi lên 3”, càng lún sâu càng khó giúp trẻ vượt qua. Vì vậy, người lớn cần có sự hiểu biết về tâm lý trẻ, cần kiên trì, bình tĩnh và sáng suốt để có thể mang lại cơ hội phát triển tích cực cho con mình.

Tốt nhất cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ vui chơi thật nhiều, đặc biệt là các trò chơi giúp bé thể hiện mình như sắm vai. Bố mẹ cho bé nhập vai trong nhiều tình huống khác nhau và qua đó bé có cơ hội thể hiện bản thân. Nếu chúng ta tổ chức tốt các trò chơi và tình huống để bé được đóng vai như: làm chị, làm anh, làm ca sĩ, hoặc làm bác sĩ thì trẻ có thể sẽ phần nào thỏa mãn được mong muốn của mình (được tự mình khám bệnh cho mẹ, tự chọn bài hát, tự phân việc cho các em…).

Bên cạnh đó, trẻ rất dễ bị phân tán tâm trí nếu ba mẹ sử dụng "chiêu" đánh lạc hướng, khéo léo dẫn dụ trẻ quan tâm đến sự việc khác sẽ tránh được sự phiền hà, đeo bám của chúng. Chẳng hạn, khi con bạn đòi cho bằng được chiếc mắt kính của bố, bạn nói: “A, bố về kìa”. Cháu dòm ra cửa và… không thấy bố về. Không sao, bạn đã giấu mắt kính và tiếp: “Ủa, bố đâu rồi, con ra xem bố về chưa?”… Cùng với đó, với óc hài hước, nếu pha trò đúng lúc, bạn sẽ tranh thủ được tình cảm và sự vâng lời của con nhiều hơn.

B.Thanh
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.