Sống trên ghe

15/09/2011 12:04 GMT+7

Trong khi đường phố nhộn nhịp với những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy thì tại Vũng Thùng, vùng đầm nước ngay chân cầu Thuận Phước (TP Đà Nẵng), một gia đình gồm 5 người chen chúc trên 2 chiếc ghe bé xíu bên ngọn đèn dầu heo hắt.

Được sống trong chung cư là mong ước của gia đình chị Nguyễn Thị Đây - Ảnh: Chánh Lâm

Chồng làm phụ hồ, vợ chở cá thuê, đó là nguồn thu nhập mà họ bám tựa qua ngày để nuôi 3 đứa con. Tài sản duy nhất của gia đình này là 2 chiếc ghe nhỏ, cũng là nơi để 5 người trú ngụ mưa nắng. Đã 8 năm trôi qua, cuộc sống của gia đình này vẫn tròng trành trên sóng nước và ước mơ có một ngôi nhà đơn sơ vẫn còn rất xa.

Vất vả đời ghe

Đã hơn 8 năm trôi qua, trong khi hầu hết các hộ dân làng chài đã ổn định chỗ ở tại các chung cư tái định cư được thành phố cho thuê với giá rẻ, lá “đơn xin cứu xét” của chị Nguyễn Thị Đây vẫn đang trong giai đoạn xem xét vì chị không còn hộ khẩu ở địa phương.
 
Theo lời chị kể, chị đã chuyển hộ khẩu lên Lâm Đồng lúc lấy chồng nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, nghề trồng chè không nuôi nổi gia đình 5 miệng ăn nên họ quay về Đà Nẵng và sống cảnh không nhà, chỉ biết bám trụ vào 2 chiếc ghe nhỏ.  
 
Khi chúng tôi đến thăm, chị Đây cùng đứa con gái đầu vừa hì hục tát nước vừa trát bột chai lên đáy chiếc ghe cũ thường xuyên bị rò nước vào lòng ghe. Chị Đây cho biết, hồi sáng chiếc ghe suýt chìm nghỉm cùng số đồ đạc ít ỏi mà gia đình chị có.
 
“Tối qua, tôi với con bé lớn đi bến cá tới sáng mới về, còn chồng thì đi trực phụ hồ, chỉ có con Châu và thằng Tiến ngủ trên ghe. Nước rò rỉ vào ghe cho tới lúc ướt hết tụi nó mới thức dậy, đồ đạc lênh bềnh trên nước nên phải mang lên bờ phơi”.
 
Trên bờ, một đống đồ đạc được phơi ngổn ngang. Tất cả đều xơ xác, tạm bợ và cũ kỹ, khó tưởng tượng là đồ dùng sinh hoạt của một gia đình.
 
Chiếc đèn dầu tờ mờ là nguồn sáng duy nhất của họ khi đêm đến. Nước sinh hoạt thì phải chèo ghe đi xin từ xưởng làm nước đá gần đó. Những mùa mưa bão, chị Đây phải gửi con về nhà ngoại rồi vợ chồng chèo ghe vào sâu trong vũng, ràng chặt mui ghe ngồi chờ mưa bão qua đi.
 
Vất vả nhưng vợ chồng chị phải giữ gìn 2 chiếc ghe như mái nhà của gia đình vì đó là tài sản lớn nhất, là vốn liếng mưu sinh mà gia đình chị có được. Một chiếc ghe neo ở Vũng Thùng để ở, một chiếc chị Đây dùng để chở cá thuê ở bến cá Thọ Quang mưu sinh qua ngày.
 
Khoảng 11 giờ khuya, khi các con ngủ say, chị Đây phải chèo ghe đi làm đến tận sáng sớm. Tùy đợt cá về, tiền chở cá kiếm được từ 40.000 – 70.000 đồng. Hết chở cá, chị lại đi nhặt ve chai hay đi gỡ hàu ngay tại Vũng Thùng.
 
“Mùa hè thì còn đỡ, đến mùa mưa thì cả nhà thiếu hụt đủ thứ vì tui không đi chở cá cũng không đi gỡ hàu được”, chị Đây bộc bạch. Mỗi khi dân chài lưới trúng mùa cũng là lúc chị Đây phải tranh thủ kiếm sống và dành dụm cho mùa mưa đến.

Mong con được đến trường

Bé Trâm - đứa con gái lớn 13 tuổi của gia đình này - phải nghỉ học 4 năm nay để theo mẹ chèo ghe, đi xin nước đá và cá vụn từ các chủ tàu vừa cập bến. Ở cái tuổi ăn tuổi ngủ, bé Trâm đã phụ mẹ kiếm sống, chăm em và lo cả bữa cơm cho cả nhà.
 
Đến trưa, Trâm cùng hai em xúm xít sau tấm liếp tránh nắng che tạm trên bờ. Em thêm củi vào bếp lửa tự tạo bằng chiếc thau nhôm cũ với mấy thanh sắt bắt ngang để nấu một nồi cơm và chiên chảo trứng cho 4 mẹ con dùng bữa. Bát ăn cơm bị chìm trong nước khi chiếc ghe chìm hồi sáng chưa vớt lên được, Trâm phải sang mượn tạm từ mấy nhà chòi canh nghêu gần đấy để ăn trưa.

Bỏ học đã lâu, quên con chữ nên Trâm thường phải nhờ Châu, cô em kế đang học lớp 6, đọc truyện tranh cho nghe. Do không có điều kiện học hành như các bạn khác, em nhỏ nhất của Trâm là Tiến, mới học hết lớp 1 nhưng vẫn chưa đọc được chữ.

Đêm đến, bên kia cầu Thuận Phước rực rỡ ánh đèn. Bên này, trên chiếc ghe tồi tàn của gia đình chị Đây, ánh đèn dầu tờ mờ, vàng vọt  không đủ thắp sáng những trang sách cho 3 đứa con nhỏ.

Chính những đứa con càng khiến chị Đây thèm khát một ngôi nhà thật sự. Chị kể có lần Tiến đứng chênh vênh trên mạn ghe, bị rớt tõm xuống giữa dòng nước sông Hàn và mất hút. Mãi một lúc sau, Tiến mới nổi lên như phép màu và hoàn toàn bình an!
 
Những đêm trời trở gió, chiếc ghe nhỏ cứ lắc lư, tròng trành giữa sông nước, chị Đây cố gắng kéo tấm chăn mỏng đắp trọn người các con. Những lúc đó, thằng Tiến chịu lạnh không được bật dậy khóc: “Mẹ ơi, sao nhà mình không dọn lên trên bờ ở hả mẹ, ở dưới này gió lạnh con sợ quá!”. Kể đến đó, mắt người mẹ nghèo khổ này ngân ngấn nước mắt.

Nhìn về những dãy chung cư đang được xây dựng ven bờ Vũng Thùng, chị nói mà nước mắt chảy dài: “Tụi nó cứ ở trên ghe hoài tôi lo lắm. Tôi chỉ muốn có nhà cho bé Trâm được đi học lại, nhưng không biết đến khi nào mới thuê được chung cư này để ở…?”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.