F-22 Raptor đắt giá nhưng vô dụng

17/09/2011 08:38 GMT+7

(TNTS) Tại Mỹ, hãng Lockheed Martin vừa kết thúc việc lắp ráp thân chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm - F-22 Raptor cuối cùng. Chiếc F-22 này sẽ được chuyển giao cho không lực Mỹ vào quý II năm 2012.

Dây chuyền sản xuất F-22 Raptor sẽ còn được duy trì trong vài năm nữa nhằm phục vụ công tác sửa chữa và nâng cấp các máy bay loại này đã được biên chế cho quân đội Mỹ. Điều đáng nói là F-22 Raptor là chiếc tiêm kích đắt giá nhất nhưng lại "vô dụng" nhất trong lịch sử hàng không của Mỹ.

Hãng Lockheed Martin - nhà sản xuất F-22 Raptor, được cho là đã ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao nhất khi lắp ráp chiếc máy bay tiêm kích thế hệ đầu tiên của thế giới. Thân chiếc F-22 nêu trên là của chiếc máy bay cuối cùng loại này. Theo hãng tin Defense Aerospace, đây là chiếc F-22 Raptor thứ 187 và mang số hiệu 09-4195. Từ nay cho đến cuối năm nó sẽ được gắn cánh, hệ thống điện tử, động cơ F119-PW-100 của hãng Pratt & Whitney cùng nhiều phụ kiện khác. Dự kiến đến đầu tháng 1.2012 việc lắp ráp chiếc F-22 Raptor mang số hiệu 09-4195 sẽ hoàn tất và đến quý II năm này sẽ chuyển giao cho không lực Mỹ.


 F-22 Raptor - Ảnh: armybase.us 

Theo quy định, trước khi chuyển giao cho quân đội, Lockheed Martin sẽ phải tiến hành bay thử nghiệm đối với chiếc F-22 Raptor. Không biết Lockheed Martin sẽ làm thế nào để thử nghiệm chiếc F-22 Raptor mới, vì hiện tại Mỹ vẫn đang cấm các tất cả các máy bay loại này cất cánh, ngoại trừ một số chiếc F-22 tại căn cứ quân sự Edwards ở California. Cần nhắc lại rằng, những chiếc F-22 tại căn cứ quân sự Edwards đang tham gia chương trình thử nghiệm phần mềm Upgrade 3.5, nên được phép cất cánh. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, chúng cũng sẽ bị cấm bay.

Theo các chuyên gia quân sự dự đoán, việc Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép các máy bay F-22 Raptor cất cánh sẽ không sớm hơn quý I năm 2012. Như vậy, nếu chiếc F-22 Raptor mang số hiệu 09-4195 không được cất cánh (bay thử nghiệm) thì thời hạn chuyển giao nó cho không lực Mỹ sẽ bị lui lại. Dù vậy, giới chức không lực Mỹ không có gì phải thất vọng. Bởi lệnh cấm bay hiện nay đã là dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Còn nếu kéo dài lệnh này đến đầu năm 2012 sẽ là kỷ lục của thế giới.

Các chuyến bay của F-22 Raptor bắt đầu bị cấm bay từ ngày 3.5.2011. Trước đó 2 tháng, lãnh đạo không lực Mỹ còn ra lệnh hạn chế trần bay của loại máy bay này là 7,6 nghìn km. Nguyên nhân của các lệnh cấm này là do vào tháng 11.2010 một chiếc F-22 Raptor bị rơi tại bang Alaska, khiến phi công lái chiếc tiêm kích này là Jeffrey Haney bị chết. Theo điều tra ban đầu, chiếc máy bay bị rơi là do hệ thống cung cấp o-xy (OBOGS) lắp đặt không chuẩn. Chính vì thế mà Jeffrey Haney lúc đầu bị ngạt thở và sau đó bị ngất. Hiện tại Mỹ vẫn đang kiểm tra OBOGS không chỉ của loại F-22 mà còn của tất cả các loại máy bay chiến đấu khác có sử dụng hệ thống OBOGS tương tự.

 
Dây chuyền lắp ráp F-22 - Ảnh: Lockheed Martin

Dường như câu chuyện về F-22 Raptor khá thuận buồm xuôi gió, khi chiếc máy bay cuối cùng rồi sẽ chuyển giao trọn vẹn cho không lực Mỹ. Ngoài việc cấm bay hiện hành, F-22 đã tham dự vào các triển lãm - hội chợ hàng không trong nước cũng như quốc tế. Nó còn tham gia vào các diễn tập quân sự, các chuyên bay xuyên lục địa. Tuy nhiên, điều chính yếu nhất mà F-22 Raptor lại không làm được là tạo ưu thế trên không trong các chiến dịch quân sự quan trọng của Mỹ. Chính vì thế mà giới chuyên gia quân sự nước ngoài đã mỉa mai khi nói rằng, đây là chiếc máy bay tiêm kích có giá bán đắt nhất nhưng lại "vô dụng" nhất thế giới.

Bắt đầu từ năm 2012, không lực Mỹ hằng năm chi 500 triệu USD để nâng cấp, hiện đại hóa máy bay tiêm kích F-22 Raptor. Trong phần nâng cấp này, không lực Mỹ sẽ bắt đầu lắp ráp phần mềm Increment 3.1 nhằm đảm bảo hoạt động của hàng loạt hệ thống bên trong của máy bay. Nhờ có Increment 3.1 mà F-22 Raptor có thể "đọc" bản đồ, chọn lựa mục tiêu dưới đất và tiếp nhận loại bom mới SDB. Việc hiện thực hóa Increment 3.2 sẽ bắt đầu từ năm 2014. Theo một số nguồn tin, kết quả của Increment 3.2 là F-22 Raptor sẽ được trang bị nhiều chương trình điều khiển hiện đại, kể cả hệ thống máy tính. 

Theo kế hoạch ban đầu, không lực Mỹ dự tính mua 750 chiếc F-22 Raptor, nhưng do Liên Xô - đối thủ tiềm tàng - tan rã, cùng với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nên lượng F-22 được mua giảm khá nhiều. Vào năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định chỉ mua 187 chiếc F-22 cho quân đội và từ năm 2012 sẽ cắt giảm tài trợ cho dự án sản xuất F-22 và chỉ chi mỗi năm 500 triệu USD để sửa chữa, nâng cấp loại máy bay này.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 4.2011 của Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO), tính chung dự án F-22 Raptor (cả thiết kế sản xuất lẫn mua bán) có tổng chi phí là 77,4 tỉ USD. Như vậy, giá của mỗi chiếc F-22 trong năm 2010 là 411,7 triệu USD. Vào tháng 4.2011, không lực Mỹ tiếp nhận 181 chiếc Raptor. Trước đó, năm 2009, lãnh đạo không lực  Mỹ tuyên bố, một giờ bay của F-22 tiêu tốn 44 nghìn USD. Còn theo đánh giá của thư ký hành chính không lực Mỹ một giờ bay của chiếc tiêm kích này là 49,8 nghìn USD.

F-22 Raptor mang tiếng là chiếc tiêm kích đắt nhất thế giới nhưng cũng là vô dụng nhất thế giới. Nó được biên chế vào không lực Mỹ đã 6 năm, nhưng chưa một lần tham gia các chiến dịch quân sự của Mỹ và hiếm hoi lắm mới chỉ có một vài lần rời khỏi lãnh thổ Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ biện minh rằng, hiện nay đơn giản là không có nhiệm vụ nào cho F-22 cả. Với cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan hay Lybia, tất cả các chiến dịch trên không hay mặt đất đều không cần đến sự tham gia của chiếc tiêm kích có thể chiếm ngay ưu thế trên không này. Tính chung, chiếc máy bay hiện đại nhất của Mỹ mới chỉ có vài trăm giờ bay tập quân sự "chiến đấu" với kẻ thù giả định và luôn "hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc" mà không bị một tổn thất nào.

Một số người dự đoán rằng, các kỹ thuật công nghệ của F-22 Raptor sẽ rất hữu ích để Mỹ thiết kế sản xuất chiếc tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 Lightning II. Tuy nhiên điều này lại không trở thành hiện thực. Phần lớn các hệ thống của F-35 đều được thiết kế từ con số không, kể cả hệ thống vi tính, rồi cả các yếu tố của công nghệ tàng hình… Ngược lại vài công nghệ của F-35 như lớp phủ để chống sóng radar sẽ được ứng dụng cho F-22. Có lẽ điều mà F-35 tiếp nhận được từ F-22 là đầu tư cho dự án ngày càng cao và giá của một chiếc máy bay ngày càng đội lên. Nhưng đó lại hoàn toàn là một câu chuyện khác.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.