Chiếc bánh trung thu

12/09/2011 01:20 GMT+7

Hôm nay là ngày 12.9.2011, đúng ngày rằm Trung thu. Rằm Trung thu là ngày tết của các em thiếu niên, nhi đồng. Thế nhưng không biết tự bao giờ, ngày Trung thu lại trở thành ngày tết của người lớn, đặc biệt là những người lớn có chức có quyền.

Từ hai tuần qua, các cửa hàng bán bánh trung thu trên khắp thành phố đã tự ý hạ giá bánh xuống qua hình thức khuyến mãi “mua một tặng một” nhưng ai cũng có thể biết rằng, bánh bán ra với bất kỳ giá nào thì nhà sản xuất và các cửa hàng vẫn có lợi nhuận. Ấy bởi vì những chiếc bánh trung thu xinh đẹp, ngon lành, chất lượng hảo hạng kia không phải được sản xuất ra để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong tư duy của những nhà sản xuất và kinh doanh, bánh trung thu là một món quà đẹp, văn minh, đánh đúng vào tâm lý của những người muốn tặng quà và muốn được nhận quà. Chẳng thế mà trong các câu khẩu hiệu tiếp thị quảng cáo bánh trung thu, người ta vẫn thường nghe các cụm từ “Kết nối tình thân”, “Món quà tặng đầy ý nghĩa”...

Ai muốn tặng quà? Tất nhiên, đó là những người lớn. Cuộc sống rắc rối, phức tạp với cả trăm thứ nguyên tắc, quy định. Họ đã lỡ được một ai đó giúp đỡ hay thi ân. Dù người giúp đỡ, thi ân ấy không nhắc đến thì nhân dịp Trung thu, họ cũng sẵn lòng mua một hộp bánh thật ngon, thật sang đem tặng để tỏ lòng tri ân. Vả chăng, một hộp bánh trung thu giá vài trăm ngàn, vài triệu đồng, vừa nhẹ nhàng, vừa dễ coi hơn một bao thư đựng tiền hay chai rượu ngoại đựng trong một cái hộp to tướng. Điều khiến họ an tâm nhất là tặng bánh trung thu thì không bao giờ bị luật pháp coi là có hành vi đưa hối lộ.

Ai được tặng quà? Tất nhiên, đó là những người lớn mà đa số là người đương quyền, đương chức. Với họ, chuyện công khai nhận một hộp bánh trung thu xem ra dễ chịu hơn nhận một bao thư đựng tiền hay chai rượu. Cảm giác dễ chịu ấy bắt nguồn từ niềm tin có thật sự quý nhau thì người ta mới tặng bánh. Và dù có nhận một trăm hộp bánh đi nữa, họ vẫn an tâm bởi luật pháp vẫn không coi đó là hành vi nhận hối lộ.

Chính vì thế, những người lao động bình thường không dám mua bánh trung thu cho con mình ăn nhưng lại sẵn sàng mua bánh trung thu để tặng những nơi mình chịu ân nghĩa. Chính vì thế, những người có chức có quyền lại được nhận nhiều loại bánh trung thu ngon nhất, có khi ăn không kịp, không hết. Và cũng chính vì thế, trẻ con ở nhiều vùng sâu vùng xa, trẻ con nhà nghèo không có được miếng bánh trung thu mà ăn dù chúng vẫn hiểu tết Trung thu là tết của thiếu niên, nhi đồng. Bản thân chiếc bánh trung thu là văn hóa nhưng khi đã dịch chuyển đối tượng thì hình như nó không còn văn hóa lắm.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.