Tờ lịch nhiệm mầu

10/09/2011 15:11 GMT+7

Nhân đẩy cửa bước vào. Chẳng màng đến tiếng cửa rít cót két inh tai, mùi ẩm mốc bốc lên từ căn phòng đã lâu không người ở, mạng nhện giăng trên trần và bụi thốc lên theo bước chân, Nhân buông người xuống giường. Anh nằm bất động, đến mức tưởng như anh có thể nằm đấy đến hết đời.

Nhưng đó chỉ là tưởng như thôi. Bởi khoảng nửa tiếng sau, anh đã lầu bầu: “Khỉ gió!”. Không “khỉ gió” sao được khi mấy ngày trước, bà chủ căn phòng trọ anh đang thuê nhất quyết đòi tăng giá đến chóng mặt đúng lúc anh nhẵn túi. Thế là anh chấp nhận ở trong căn phòng chỉ có mỗi ưu điểm là rẻ này, bất chấp đường vào khu nhà trọ nước cống ngập lênh láng, bốc mùi khủng khiếp. Mà anh còn lựa chọn nào khác chứ?

Không “khỉ gió” sao được khi vừa mới đây thôi, anh đứng trước nguy cơ bị đuổi việc.

Hơn một tháng trước, Nhân được nhận làm phóng viên thử việc cho một tòa soạn tầm tầm. Có bảy phóng viên thử việc. Bốn người, trong đó có Nhân, được đánh giá cao hơn. Tin hành lang cho biết tòa soạn chỉ cần thêm ba phóng viên nữa.

Lần đó, tổng biên tập đi học nâng cao, phó tổng biên tập bận việc nhà, chỉ còn chị thư ký quán xuyến mọi việc. Dĩ nhiên là chị quá tải.

Kế hoạch đi công tác tỉnh thực hiện đề tài đang ấp ủ của Nhân không được duyệt kinh phí. Quanh quẩn ở Sài Gòn mãi, Nhân chẳng tìm ra đề tài nào. Rồi anh bắt được thông tin về một em học sinh cấp III đoạt giải quốc tế. Điện thoại để phỏng vấn em thì không được vì em lại đang tập trung cho kỳ thi Anh văn. Em hẹn ba ngày nữa. Ba ngày nữa thì trễ hạn báo ra. Tòa soạn thiếu bài. Mà cá nhân anh cũng thiếu bài.

Cuối cùng, Nhân phỏng vấn… gián tiếp, thông qua một người bạn của em học sinh ấy. 

Bài báo có nhiều chi tiết hấp dẫn: em học sinh ấy đã vượt qua hoàn cảnh gia đình: ba mẹ ly dị, có lúc em buồn đến mức bỏ nhà đi bụi và nghiện ma túy trong một thời gian ngắn, sau đó, em nỗ lực chiến thắng bản thân và giành được giải thưởng quốc tế. Một tấm gương quá tuyệt vời. Bài báo ấy được duyệt đăng.

Nhưng ngay trong ngày báo ra, gia đình học sinh ấy tức giận đòi kiện tòa soạn vì đưa thông tin sai sự thật. Ba mẹ em chưa từng ly dị và em luôn là đứa con ngoan hiền trong nhà, dứt khoát không có chuyện đi bụi, nghiện ma túy.

Nhân phát hoảng hỏi lại người mình phỏng vấn, cô bé run rẩy cho biết: “Em cũng chỉ nghe bạn bè đồn đại, cứ tưởng anh sẽ kiểm tra thông tin trước khi viết”.

Tòa soạn tạm đình chỉ công tác của Nhân, chờ xử lý trong khi tìm cách hòa giải với gia đình em học sinh.

Đúng là “khỉ gió”!

“Thôi nào! Cứ nằm ườn ra thế này cũng chẳng giải quyết được gì. Nếu không động tay động chân thì không khéo mình dính chặt vào cái giường bẩn thỉu này mất!”.

Vừa lầm bầm Nhân vừa ngồi dậy. Anh bắt tay vào dọn phòng. Không chủ ý bắt đầu từ đâu, Nhân lơ đễnh nâng chậu hoa giả đầy bụi lên. Tờ lịch in ngày 13 tháng 8 năm 2004 được giấu trong chậu hoa ấy. Nhân mở ra xem.

“Tôi là Cát Như. Ngày hôm nay thật tồi tệ. Nhưng nó cũng như những ngày tồi tệ khác trong đời tôi. Những ngày ấy đã qua. Và ngày hôm nay cũng thế”.

Bên dưới dòng chữ ấy có thêm vài dòng chữ khác, mỗi dòng một nét chữ khác nhau, chủ yếu là các số điện thoại và những câu ngắn gọn: “Giữ nguyên tất cả những tờ lịch ở chỗ cũ. Cát Như, ước gì tôi gặp được cô - Nghi: 090…”; “Cám ơn Cát Như”, “Hải Bằng: 090…”…

“Những ngày tồi tệ khác” của Nhân là những ngày nào? Đó là khi ba mẹ anh chia tay. Không có ai ra tòa cả. Chỉ có một ngày, Nhân đi học về, không thấy ba đâu, và vẫn không thấy cho đến bây giờ.

Bên cạnh áp lực phải có bài đăng, có lẽ vì kỷ niệm tuổi thơ ấy mà Nhân để cảm xúc lấn át tất cả khi viết bài, anh đã tin ngay câu chuyện mà không hề bận tâm xác minh.

***

Nhất định những tờ lịch khác vẫn đang ở đâu đó trong căn phòng này, căn phòng từng trải qua nhiều lượt người thuê. Có vẻ như ai cũng gìn giữ những dòng nhật ký trên lịch của cô Cát Như nào đó.

Nhân tiếp tục dọn phòng và anh phát hiện ra những tờ lịch được giấu trong kẹt giường, trong hộc tủ, bên dưới lọ đất nung…

Ngày 30/8/2004: Tập cười khi lòng đang buồn đến chết được.

Ngày 7/9/2004:  Mình đã làm được điều đó! Cám ơn cuộc đời!

Ngày 12/10/2004: Dặn mình đừng hy vọng để rồi tự thấy vô lý quá. Nếu không hy vọng, con người sống bằng gì?

Trong tờ lịch ngày 12/10/2004, có nét chữ khác, ghi bên dưới:

Ngày 12/10/2007: Hôm nay anh làm mình thật vui. Và mình lại mong đợi… Người ta nói tình yêu sẽ đến thật bất ngờ, vào lúc không hề mong đợi. Mình đã từng hy vọng, từng thất vọng, nhiều lần. Những người đàn ông đem lại hạnh phúc ngắn ngủi cho mình, rồi ra đi. Vậy mà vẫn không “chừa”. Vẫn cứ ước mơ. Đến bao giờ mình mới thôi hy vọng? Mà nếu không hy vọng, con người sống bằng gì? - Nghi: 090…

Nhân bấm thử số của Nghi. Giọng một người phụ nữ hơi gắt gỏng:

- A lô.

- Chào chị Nghi… tôi

đọc thấy điện thoại của chị trong một tờ lịch ở phòng trọ số… đường…

- Xin lỗi, tôi đang bận…

Người phụ nữ dập máy. Không nản lòng, Nhân dò tìm các số điện thoại khác ghi trên lịch, vài số không để tên. Nhân gọi thử cho Hải Bằng. Không có tín hiệu. Nhân gọi tiếp cho số khác. Cũng không có tín hiệu.

“Reng…”. Nhân mở máy.

- A lô Nhân nghe.

- Tôi là Nghi đây. Xin lỗi, khi nãy tôi bận quá. Nhiều năm qua, tôi nhận được vài cuộc điện thoại như vừa rồi. Có những cuộc điện thoại phá rối, có những buổi trò chuyện rất vui.

- Tôi… thật sự bây giờ tôi cũng không biết phải nói gì… nhưng… tôi không cố ý phá rối. Tôi…

- … buồn đến chết được và cảm thấy được đồng cảm, động viên từ những dòng nhật ký trên lịch, phải không nào, anh bạn trẻ? Tôi nghe giọng anh trẻ lắm.

- Dạ! - Nhân mỉm cười - Có điều gì đó thật… thú vị… kỳ diệu… Trong bảy năm qua, nhiều người đến trọ và gìn giữ những dòng nhật ký trên lịch để em được đọc, vào ngày hôm nay. Ừm… em có đọc dòng nhật ký chị viết ngày 12/10/2007…

- Thế em có thắc mắc về người đàn ông đó không?

- Nếu chị muốn chia sẻ thì em đang lắng nghe đây.

- Anh ấy đi rồi.

- Em… em…

- Đi mua bánh trái cho bọn nhỏ. Chị sinh năm một em à!

Nhân bật cười:

- Chúc mừng chị!

- Có lúc chị tự mắng mình vì cứ mong chờ những điều chưa đến, thay vì chỉ nên bằng lòng với hiện tại. Nhưng rồi… cuộc sống đền đáp niềm hy vọng ngoan cố của chị…

- Chị có gặp được Cát

Như không?

- Không. Chị có hỏi thăm chủ nhà trọ nhưng bà ấy cũng không biết. Không thể tìm ra cách nào liên lạc. Chỉ có điều, chị tin rằng: ở đâu đó trong cuộc sống bao la này, những người như Cát Như sẽ hạnh phúc.

Nghi và Nhân trò chuyện một chút nữa rồi vui vẻ chào nhau. Hóa ra hôm nay không phải là một ngày tồi tệ.

Nhân vừa định cất điện thoại vào túi thì máy tiếp tục reo. Là chị thư ký:

- Chào Nhân… Chị… không muốn em bị sốc nên muốn báo trước cho em tin này… Sếp đã quyết định không ký hợp đồng với em. Nhưng bài báo ấy của em thì… vẫn… được trả nhuận bút.

- Cám ơn chị! Em mong là bài báo ấy không ảnh hưởng gì đến chị.

- Cám ơn em. Trong việc này cũng có lỗi của chị…

- Nhưng chủ yếu là do em. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho em trong nghề báo. Em định sẽ đến xin lỗi gia đình em học sinh ấy. Em cũng cần trấn an cô bé em đã phỏng vấn. Tội nghiệp, nó cũng rất lo lắng cho em. Nhưng đây là trách nhiệm của chính em. Nếu tòa soạn cần em làm gì để giải quyết sự việc gì từ sự cố này thì chị cứ gọi em, dù em không còn là phóng viên thử việc ở tòa soạn...

- Em nghĩ như vậy là rất hay. Chị hơi bất ngờ đó. Chị đang nghĩ sẽ rất đáng tiếc nếu tòa soạn để lỡ một người như em… Được rồi, chị sẽ gọi cho em sau. Chị không dám hứa trước nhưng biết đâu sẽ có một tin tốt lành nào đó!

Nhân cám ơn chị thư ký rồi tắt máy. Anh nghĩ mình cần đi tắm cho thật sảng khoái. Anh còn nhiều việc phải làm.

Có thể bài báo sẽ tác động không hay đến cuộc sống của em học sinh, bất chấp lời xin lỗi chính thức của tòa soạn và của bản thân anh.

Cái anh cần làm bây giờ là phải cùng em vượt qua điều đó.

Ngay cả với chuyện bị chính thức đuổi việc thì ngày hôm nay với anh vẫn là một ngày rất có ý nghĩa…  

Truyện ngắn của Phương Trinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.