Thiên thạch đem vàng xuống trái đất

09/09/2011 16:19 GMT+7

Với nhân loại nói chung, vàng luôn là thứ quý hiếm. Có nhiều người ôm mộng đãi cát cả đời mà chẳng tìm đâu ra vàng. Ngược lại, những nhà địa chất học lại cho rằng vàng trên lớp vỏ trái đất do con người khai thác được lại quá nhiều so với lý thuyết, nhiều hơn từ 10 đến 1.000 lần.

Cách đây khoảng 4,5 tỉ năm, khi những thành phần đầu tiên của hành tinh chúng ta bắt đầu kết tụ lại, các vụ va chạm “kinh thiên động địa” với các thiên thể khổng lồ trong vũ trụ, kích thước có thể lớn như mặt trăng, thậm chí sao Hỏa làm sinh ra lượng nhiệt khổng lồ. Mọi thứ đều tan chảy và trong biển mắc-ma này, sắt đã tách ra khỏi silicat và tụ về lõi trái đất. Sắt ở dạng lỏng lại có “sức hút” cực lớn đối với các kim loại quý hiếm. Vàng, bạch kim, tungsten… lũ lượt theo sắt đi về tâm trái đất, để phần vỏ lại cho silicat thỏa sức “chiếm cứ”. Chính vì vậy, ở độ sâu 3.000 km so với bề mặt hành tinh xanh hiện có lớp vàng dày đến 4 mét. Một kho tàng mà con người có lẽ chẳng bao giờ “chạm tay” vào được. Và lẽ ra, đó cũng là mỏ vàng duy nhất tại địa cầu.

 
Các thiên thạch đã giúp con người có cơ hội tìm thấy vàng - Ảnh: Reuters 

Giải thích thế nào về 163 ngàn tấn vàng mà con người đã khai thác được và trữ lượng còn lại ước tính vào năm 2010 là 51 ngàn tấn? Theo kết quả nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí khoa học Nature của các nhà khoa học thuộc ĐH Bristol (Anh), chính những thiên thạch “đi lạc” và va chạm với trái đất cách đây 3,8-4 tỉ năm đã mang theo những “lễ vật” quý báu cho con người sau này. Những thiên thạch này nhỏ hơn nhiều so với các “tiền bối” từng gây ra các vụ nổ trong giai đoạn hình thành. Trong số những vật chất mà chúng bổ sung cho trái đất, các kim loại quý vẫn ở lại bề mặt vì sắt nóng chảy đã “yên vị” ở lõi, không thể phát huy hiệu quả “sức hấp dẫn” được nữa. Nhờ vậy mà con người mới có cơ hội khám phá các mỏ vàng.

Để chứng minh giả thuyết này, nhóm nghiên cứu của ĐH Bristol do Giáo sư Matthias Willbold đứng đầu đã phân tích thành phần cấu tạo vỏ trái đất ở một số khu vực có tuổi địa chất rất cổ không bị ảnh hưởng bởi những vụ va chạm muộn của các thiên thạch nhỏ, như khu đá Isua ở Groenland (Đan Mạch), hình thành cách đây 3,8 tỉ năm. Các nhà khoa học đã chọn nghiên cứu tungsten, một kim loại hiếm có cùng tính chất “thích sắt” nhưng có độ nóng chảy cao hơn nhiều so với vàng. Lượng đồng vị tungsten 182 được phân bố đều ở khắp bề mặt trái đất nhưng hầu như không thể tìm thấy ở Isua. Như vậy, do “lỡ duyên” gặp gỡ các thiên thạch, nơi này cũng mất luôn cơ hội được “dát vàng” và các kim loại quý hiếm khác.

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.