Cần hiểu và sử dụng người tài đúng chỗ

08/09/2011 00:05 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc người tài chưa được trọng dụng, giáo sư - tiến sĩ Đặng Lương Mô (ảnh) (Việt kiều Nhật) cho rằng: “Nếu chúng ta biết tìm người tài và dùng người tài đúng chỗ thì đất nước ta phát triển nhanh hơn rất nhiều”.

 Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với các nhân tài trẻ tuổi ở nước ngoài (trong ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hoành Sơn, người vừa được trao giải Luận án xuất sắc nhất ngành Quản lý chiến lược của Pháp) - Ảnh: T.S

Hiện ở nước ta vẫn chưa có một định nghĩa và các tiêu chí chuẩn để phát triển nhân tài. Vậy theo giáo sư làm sao biết được người tài?

Những người tài kiều bào trẻ tuổi, đó mới là lực lượng mà chúng ta phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút 

Theo tôi, chỉ có 2 loại người có thể sử dụng được người tài. Một là, chính người tài mới biết người tài; hai là những người có sự hấp dẫn, sức thu hút đặc biệt mới sử dụng được người tài.

Trong giai đoạn đất nước còn gặp nhiều khó khăn, chỉ cần Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng thì người tài ào ào đổ về. Bác Hồ không chỉ là người tài thực sự, mà còn có sức hấp dẫn, lôi cuốn được người khác. Quan trọng hơn hết là Bác rất am hiểu người tài. 

Phải chăng hiện chúng ta vẫn chưa sử dụng hết nguồn lực người tài?

Thời nào cũng vậy, muốn thu hút được người tài, chúng ta phải có cơ chế chính sách, phương cách thích hợp để sử dụng họ cho đúng chỗ.

Cần phải nhìn nhận một thực tế là hiện nay, một anh “Hai lúa” (những nhà phát minh không bằng cấp - PV) dù có tài giỏi đến đâu, nhưng cũng khó phát triển sự nghiệp được.

Chính những quy định, tiêu chuẩn cứng nhắc hiện hành về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị… đối với các ngạch, bậc và chức danh cán bộ vô hình trung đã khuyến khích đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo một cách đối phó, chạy chọt bằng cấp và gạt ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự có tài được trưởng thành từ thực tiễn mà không cần bằng cấp gì.

GS-TS Đặng Lương Mô (SN 1936 tại Hải Phòng) - hiện là cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông là một nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực vi mạch, một Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước. Ông trở về sinh sống tại Việt Nam từ năm 2002 và ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM). GS Mô nhận bằng tiến sĩ khoa học công nghệ từ năm 1968 tại Nhật.

Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế.

Khi ở nước ngoài, ông luôn hướng về đất nước và đã có những đóng góp về cả 2 mặt: đào tạo nhân tài và tư vấn khoa học công nghệ. Sau khi về nước, ông tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cao học tại ĐH Bách khoa TP.HCM; làm Ủy viên Hội đồng Khoa học Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano...

Chính nhờ các “Hai lúa” mà nước Nhật đã vươn cao mạnh mẽ từ đống đổ nát chiến tranh, như ông Konusuke Masushita - người sáng lập tập đoàn mang nhãn hiệu nổi tiếng National Panasonic; ông Soichiro Honda - người sáng lập ra tập đoàn Honda cũng chẳng có bằng cấp gì cả; Sakichi Toyoda - người sáng lập hãng xe ô tô nổi tiếng Toyota cũng vậy… Chúng ta phải tập dần sự trân trọng đối với những “Hai lúa”.

Nói như vậy, tôi không hề chê những người có bằng cấp, nhưng bằng cấp chẳng qua chỉ là một chứng chỉ chứng nhận năng lực của một người, nhưng chưa phải là chứng nhận tài năng của anh.

Là một nhà khoa học nổi tiếng, có cơ hội gặp mặt nhiều người tài, ông nhận thấy người tài cần gì khi trở về nước?    

Cái họ cần nhất khi về VN là cách cư xử. Nghị quyết 36 đã nêu rõ: “Việt kiều là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”. Chúng ta hãy làm đúng như vậy đi. Đừng phân biệt họ là Việt kiều, có nhiều tiền hơn… Cần cư xử làm sao để họ không cảm thấy bị xúc phạm, bị kỳ thị.

Những năm qua, nhiều người tài là kiều bào đã trở về nước với mong muốn đóng góp sức vì sự phát triển của quê hương, nhưng thực tế họ vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đó là do chúng ta chưa biết cách sử dụng tài năng của họ.

Nhiều trí thức kiều bào như tôi đây đã lớn tuổi thì chỉ muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước chứ không đòi hỏi gì. Nhưng những người tài kiều bào trẻ tuổi, đó mới là lực lượng mà chúng ta phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút.

Thực tế, để thu hút được lớp trẻ rất khó, bởi ở nước ngoài, họ đã có gia đình, vật chất đầy đủ. Nếu về VN làm việc, họ cảm thấy sự nghiệp phát triển thì họ mới về. Tiền bạc, vật chất cũng cần thiết, bởi ông ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Người tài cần phải có được đời sống xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Có cơ chế đãi ngộ rõ ràng

Khoảng cách giữa khoa học cơ bản giữa VN và các nước ngày càng tăng. Các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có nỗ lực phi thường để vực nền khoa học cơ bản của họ lên. Họ đã thu hút được rất nhiều tài năng ở các nước khác.

Nói như vậy để thấy rằng nếu chúng ta không quan tâm tới việc đó thì khoa học cơ bản của chúng ta không chỉ như hiện nay mà ngày càng tụt đi. Việc thành lập ra Viện nghiên cứu cấp cao về toán là bước đi đầu tiên giúp Việt Nam có một cơ quan khoa học có tiêu chuẩn thế giới, được hoạt động theo các phương thức của thế giới, có nghĩa là ở đó đặt vấn đề tài năng lên cao nhất chứ không phải những vấn đề khác lên hàng đầu.

Bản thân tôi rất kỳ vọng Viện Toán như một con tàu phá băng, phá vỡ những cản trở về cơ chế để cho các ngành khác tiếp tục đi theo. Có thể hy vọng đó hơi mang tính lãng mạn nhưng tôi cho rằng đó là kỳ vọng của rất nhiều nhà khoa học hiện nay.

Tôi mong có một cơ chế đặc thù để Viện Toán cao cấp hoạt động như một ví dụ đầu tiên của một Viện khoa học Việt Nam hoạt động như một viện khoa học tầm cỡ thế giới. Mọi người đang nói nhiều đến tấm lòng, tôi cũng cho rằng “tấm lòng” là rất quan trọng và cũng bởi vì tấm lòng mà tôi và các giáo sư đã trở về nước làm việc, không vì tài chính để về nước làm việc. Nhưng trong tương lai thì tấm lòng là không đủ mà cần phải có cơ chế về tài chính, chế độ đãi ngộ rõ ràng.

GS-TS Đàm Thanh Sơn
(ĐH Washington - Mỹ)

Phải thay đổi cách thức tuyển dụng

Đó là những nội dung được nhiều chuyên gia đóng góp cho hội thảo “Công tác nhân tài ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 6.9 tại Hà Nội nhằm thu hút nhân tài trong khu vực công ở Việt Nam.

Một trong những giải pháp để phát hiện công chức tài năng trong đội ngũ cán bộ công chức, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, là phải xây dựng và thực hiện chế độ tiến cử người tài, cụ thể là ban hành chế độ tiến cử để từng cá nhân có cơ hội giới thiệu những người có tài năng với các cấp có thẩm quyền để bố trí, sử dụng (gắn với trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử; tiêu chuẩn của người tiến cử, chế độ khen thưởng và xử lý các sai phạm). Những người được giao cương vị lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm và được quyền tiến cử, giới thiệu những người có tài năng để bố trí, sử dụng vào các vị trí công tác đang có nhu cầu, đồng thời, phải chịu trách nhiệm chính trị về sự tiến cử của mình.

GS-TS Nguyễn Văn Nam và PGS-TS Vũ Hoàng Ngân (ĐH Kinh tế quốc dân) đề xuất ngoài việc thu hút nhân tài theo cách thức hiện nay, cần “thành lập một Hội đồng tuyển dụng lãnh đạo cao cấp quốc gia để phát hiện ra các nhân tài, tạo cơ hội cho họ thể hiện khả năng để có thể được tuyển dụng vào các vị trí lãnh đạo”. Theo đề nghị của hai vị này, thành phần của Hội đồng tuyển dụng là các nhà khoa học có uy tín và các lãnh đạo cấp cao. Trong tuyển dụng, “cần đặc biệt lưu tâm tìm kiếm trong số những người Việt Nam đi du học và có một thời gian làm việc ở nước ngoài cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, công cũng như tư nhân, tạo cơ hội cho họ tham gia và thể hiện khả năng để có thể ứng cử vào các vị trí quản lý nhà nước các cấp”.

Bảo Cầm

Minh Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.