Ớt nào mà ớt chẳng cay?

15/09/2011 10:25 GMT+7

(TNTS) Không những không cay, nó còn có vị ngọt. Thế nên tên của nó là ớt ngọt. Ớt ngọt được trồng nhiều ở Đà Lạt nên nhiều người quen gọi là ớt Đà Lạt. Một số người khác thì gọi là ớt tây. Với 3 màu xanh, đỏ, vàng rực rỡ, ớt Đà Lạt là món ăn của thị giác, mới nhìn đã thấy muốn ăn.

Nhưng đôi khi, ăn ớt Đà Lạt không dễ tí nào. Vị hăng của nó khiến nhiều người thấy khó chịu. Tuy nhiên ai đã mê ớt Đà Lạt thì khó dứt ra. Không được phổ biến nhiều nhưng thực đơn của ớt Đà Lạt cũng rất phong phú: ớt xào thịt bò, ớt trộn giấm, ớt xào thịt gà và hạt điều… Đừng nên nấu ớt Đà Lạt đến chín nhũn. Vị giòn giòn, ngòn ngọt, hăng hăng là linh hồn của các món ăn với ớt Đà Lạt.

 
Ảnh: Shutterstock

Có một điều ít ai để ý: ớt Đà Lạt là một nhà kho khổng lồ chứa đầy vitamin C với hàm lượng còn cao hơn cả cam, quýt. Bởi thế, chẳng thể nào nghi ngờ khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể của loại ớt này. Ớt sống thì nhiều vitamin C hơn ớt đã nấu chín. Ngoài ra, ớt Đà Lạt còn chứa rất nhiều vitamin A, canxi, sắt, vitamin B1, B12, beta carotene…

Ớt Đà Lạt là một lựa chọn thích hợp cho những ai ăn kiêng giảm béo, bởi nó chứa rất nhiều chất xơ, cùng lúc lại rất ít calo. Ngoài ra, nó cũng có công dụng ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, ổn định hệ tiêu hóa, tăng cường trí nhớ, chống ung thư vú… và làm chậm tiến trình lão hóa. Nó cũng có thể giúp cho làn da thêm mịn màng nhờ tác dụng chống nhăn da, trong đó hiệu quả cao nhất nằm ở ớt màu đỏ, vốn có lượng vitamin C dồi dào nhất. Trong khi đó, ớt vàng và ớt xanh giúp bảo vệ màng collagen và nuôi dưỡng da…

Nhật Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.