"Tội đồ" là từ phân bổ vốn

06/09/2011 23:51 GMT+7

Cắt giảm đầu tư công được coi là giải pháp quan trọng để giảm lạm phát. Nhưng sau nửa năm triển khai đã lộ rõ hiệu quả chưa như mong muốn. Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nguyên nhân bắt nguồn từ phương thức phân bổ đầu tư không hợp lý. Ông phân tích:

Cắt giảm đầu tư được đề cập trong bối cảnh chúng ta đã bung ra quá mạnh. Nên dù nỗ lực, cũng chỉ làm được hai việc. Thứ nhất là không ứng vốn thi công cho các dự án (DA) triển khai vào 2012. Hai là không cấp vốn cho DA các năm trước bỏ lại và chỉ thực hiện trong kế hoạch 2011. Còn những DA trong kế hoạch 2011, DA đã xong rồi, đang triển khai hoặc làm dang dở thì không thể không làm.

Dự án quốc lộ 50 nối TP.HCM - Tiền Giang thi công dang dở vì thiếu vốn - Ảnh: H.Phương

Vấn đề ở chỗ, chúng ta vung tay quá trán, bung tất cả DA mà không có lựa chọn phù hợp với sức của mình. Nên rơi vào tình thế phóng lao thì phải theo lao. Đoạn đường đang làm nền, nếu không làm tiếp để láng nhựa thì nền hư, hay cái nhà đang xây dang dở mà bỏ thì sẽ hỏng. Nhưng DA nào cũng làm hết thì tiền không có. Vậy cái lỗi nằm ở đâu? Đó là do phân bổ đầu tư quá dàn trải, không kiểm soát được. Cho nên phải xem xét lại phương thức phân bổ đầu tư. Muốn làm, dĩ nhiên phải sửa Luật Ngân sách.

Bởi suy cho cùng, mọi ngân sách đều thực hiện ngân sách cứng, kể cả phát hành trái phiếu, cân đối trong các DA. Bên cạnh đó, thay đổi phương thức phân cấp đầu tư. Nếu ngân sách có từ nguồn thu của địa phương thì nên giao cho chính quyền địa phương quyết định sử dụng thông qua HĐND. Còn nếu nguồn ngân sách do T.Ư tài trợ dù lớn dù nhỏ T.Ư phải kiểm soát. Theo nguyên tắc như vậy thì địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hiệu quả của đồng tiền đầu tư rất rõ. Nguồn vốn thuộc cơ quan nào quyết định thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm trước dân. Cụ thể, T.Ư là Quốc hội, địa phương là HĐND. Luật Ngân sách phải tính toán lại cho hợp lý để làm sao nâng khả năng cân đối của địa phương.

''Cái lỗi nằm ở đâu? Đó là do phân bổ đầu tư quá dàn trải, không kiểm soát được. Cho nên phải xem xét lại phương thức phân bổ đầu tư. Muốn làm, dĩ nhiên phải sửa Luật Ngân sách'' - TS Trần Du Lịch

4 lĩnh vực phải tái cấu trúc gấp

Kế hoạch 5 năm tới ta không cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao, chỉ cần bình quân 6% là được. Nhưng phải cấu trúc lại hết.

Trước mắt tôi thấy có 4 lĩnh vực phải làm ngay. Thứ nhất là đầu tư. Không thể chấp nhận đầu tư trên 40% GDP được bởi với mức đầu tư quá lớn này sẽ làm mất cân đối giữa tích lũy và đầu tư, khiến nợ tăng lên. Quan trọng hơn, phải phân bổ lại vốn đầu tư cho hợp lý. Thứ hai, phải tái cấu trúc thị trường tài chính thông qua việc xem xét lại toàn bộ lỗi của hệ thống ngân hàng và cân đối thị trường vốn. Nên giảm vai trò trung gian của ngân hàng thương mại (NHTM) trên thị trường vốn, vì khối trung gian này đang chiếm vị trí áp đảo, thậm chí độc quyền. Ngay cả Chính phủ phát hành trái phiếu cũng nhờ khối NHTM. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp (DN) làm ăn khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi. Thứ ba phải tái cấu trúc lại DN, tạo điều kiện cho DN tư nhân tăng vốn chủ sở hữu, tăng tích lũy chứ không thể chạy đua phát triển dựa vào nợ. Thứ tư, cấu trúc lại thị trường, trong đó giải quyết mối quan hệ giữa xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Đã tới lúc không nên chạy theo xuất khẩu bằng mọi giá. Làm sao xuất khẩu phải tăng giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa lên; còn xuất khẩu tăng mà nhập khẩu tăng cao hơn thì vô nghĩa.

Bốn lĩnh vực này phải có chính sách để thực hiện ngay từ 2012, nhằm từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi, giảm nhập siêu, đầu tư hợp lý hơn giữa đầu tư công và đầu tư nhà nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển từ gia công sang sản xuất. Dĩ nhiên việc này là dài lâu nhưng phải đi từng bước để tạo niềm tin và hướng nền kinh tế vào sản xuất chứ không nên chạy theo những dịch vụ nhất thời. Như vậy mới giải quyết được vấn đề căn cơ. Nói nôm na, tòa nhà kinh tế VN phải gia cố móng, chứ không nên chỉ trang trí nội thất hào nhoáng bên ngoài.

Tóm lại, nếu không tái cấu trúc một cách căn cơ, nền kinh tế VN lại cứ loay hoay trong vòng xoáy bất ổn, rồi ứng phó với những bất ổn. Như vậy là phát triển không bền vững. Nói nôm na là chúng ta nhìn cái nhà chưa đẹp nhưng cái móng phải chắc. Còn nhà đẹp, nhưng cái móng không chắc sẽ khiến ngôi nhà bị nứt hoài.

Nhiều địa phương vẫn còn chần chừ

Dự kiến năm 2011, cắt giảm 97.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, bằng 10% tổng vốn đầu tư. Theo một báo cáo mới đây của Bộ KH-ĐT, tính đến 26.8, có 2.103 DA với tổng vốn 6.532 tỉ đồng ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn.  Tuy nhiên, Bộ này cũng ghi nhận, cho đến nay nhiều địa phương vẫn còn chần chừ trong việc cắt giảm, ngừng khởi công các DA sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh, thành cho thấy có tới 638 DA có sử dụng vốn ngân sách nhưng không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 song vẫn được các tỉnh thành bố trí 1.763 tỉ đồng để thực hiện. Có 2.000 DA khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011 nhưng cũng chưa được cắt giảm.

Không nhất thiết phải thu thuế tới 20% GDP

Nên khuyến khích giảm thuế cho các DN tư nhân để họ dùng lợi nhuận nhằm tái đầu tư, tăng vốn chủ sở hữu. Không nhất thiết phải thu thuế tới 20% GDP, có thể thấp hơn nhiều để DN tái cấu trúc bằng vốn chủ sở hữu. Phải có chính sách để DN tiết kiệm mà tăng phần tái đầu tư. Ngoài ra, cần thay đổi tư duy về quản lý thị trường. Bởi kinh tế thị trường là nhà nước muốn phát triển thị trường nào thì toàn bộ chính sách hướng vào thị trường đó để thị trường dẫn dắt DN đi theo. Chẳng hạn, để phát triển công nghiệp phụ trợ, Hàn Quốc ban hành một luật có hẳn hơn 1.000 loại ngành chỉ cho DN vừa và nhỏ làm và ưu đãi thuế, tín dụng… cho họ; tuyệt đối không cho các công ty lớn làm. Còn ta hiện nay đối xử như nhau thì DN sẽ tìm cái gì có lợi nhất mà làm.

N.Trần Tâm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.