Chi phí của một sinh viên học đại học

02/09/2011 16:53 GMT+7

Cần chuẩn bị bao nhiêu tiền cho một năm học là câu hỏi của rất nhiều bậc phụ huynh khi có con lần đầu tiên bước vào giảng đường ĐH. Dưới đây là tổng hợp các khoản chi phí tối thiểu trong một năm học của sinh viên (SV).

Các khoản thu cố định

Trong ngày đầu nhập học, SV sẽ phải đóng một số khoản lệ phí bắt buộc. Các trường sẽ tiến hành tạm thu học phí học kỳ 1, mức này ở mỗi trường khác nhau. Ví dụ, trường ĐH Sài Gòn là 1,4 triệu đồng/SV, trong khi trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 1,9 triệu đồng/SV, trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) gần 1,1 triệu đồng/ SV... Sự khác nhau này là do số lượng các môn học được sắp xếp ở mỗi trường khác nhau. Tuy nhiên, ở trường công, mức học phí được quy định rất rõ từng nhóm ngành đào tạo theo quy định của Chính phủ.

 
Sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM học nhóm trong sân trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, SV thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế với mức phí 210 ngàn đồng/năm/SV. Bảo hiểm tai nạn có nhiều mức khác nhau từ 23 - 45 ngàn đồng/SV/năm. Cũng ngay khi nhập học, trường tổ chức khám sức khỏe cho SV tại trường hoặc đến bệnh viện. Lệ phí này tại trường ĐH Bách khoa là 25,5 ngàn đồng/SV; với trường ĐH Sài Gòn là 65 ngàn đồng (SV khối sư phạm) và 30 ngàn đồng (SV ngoài sư phạm). Trường ĐH Bách khoa cũng tiến hành thu lệ phí hồ sơ nhập học và sinh hoạt đầu khóa là 200 ngàn đồng/SV, trong đó gồm các khoản chi cho tài liệu biểu mẫu, chụp ảnh in thẻ SV, sách niên giám, một ngày tham quan Củ Chi và lệ phí cho một tuần sinh hoạt đầu khóa. Trường ĐH Sài Gòn quy định cụ thể các khoản khác như: đồng phục thể dục 75 ngàn đồng, sổ tay SV 28 ngàn đồng, thẻ SV - thẻ thư viện 30 ngàn đồng, huy hiệu trường 12 ngàn đồng… 

Nặng gánh tiền sinh hoạt phí

Với một SV từ nơi khác lên thành phố học tập thì tiền sinh hoạt hằng tháng đáng lo hơn nhiều, nhất là thời buổi giá cả leo thang như hiện nay. SV thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt có thể được bố trí vào ở ký túc xá (KTX) của trường. Mức lệ phí KTX trung bình ở nhiều trường khoảng 90 - 120 ngàn đồng/tháng/SV. Nếu tính thêm tiền điện, nước, tiền đổ rác…, mỗi SV ở KTX phải đóng thêm từ 30 - 50 ngàn đồng/ tháng. Loại hình KTX xã hội hóa dành cho SV không thuộc diện ưu tiên (như tại trường ĐH Bách khoa) thì mức phí là 230 ngàn đồng/tháng. Cũng có khi SV phải trả tới 500 - 600 ngàn đồng/tháng như tại KTX trường CĐ Saigontech. Ngoài ra còn các chi phí khác như: sử dụng internet không dây trung bình là 50 ngàn đồng/tháng, tiền gửi xe đạp 30 ngàn đồng/tháng, gửi xe máy 45 ngàn đồng/tháng… 

Phí thuê nhà bên ngoài cũng rất đa dạng tùy theo diện tích, địa diểm, mức độ tiện nghi và số người ở. Ví dụ, phòng trọ bình thường sẽ dao động từ 400 - 800 ngàn đồng/tháng, nhà nguyên căn sẽ từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng… L.T.Hợp - SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói: “Để thuê phòng trọ, trả tiền điện, nước, rác, internet thì mỗi tháng cần phải có tối thiểu từ 500 - 600 ngàn đồng/tháng. Nhưng muốn ở thoải mái và gần trung tâm một chút thì phải mất từ 800 ngàn - 1 triệu đồng/tháng”.

Tiền ăn cũng không giống nhau giữa SV ở KTX hay thuê phòng trọ. Thông thường các KTX quy định không cho phép SV nấu ăn trong phòng. Vì thế, SV phải ăn cơm trong căn-tin KTX hoặc quán cơm bên ngoài, mỗi ngày ít nhất cũng tốn từ 30 - 50 ngàn đồng. Nếu SV ở trọ và nấu ăn cố định thì mỗi ngày chỉ tốn từ 20 - 25 ngàn đồng/người.

Tiền di chuyển cũng không cố định mà tùy thuộc vào loại phương tiện và khoảng cách khác nhau. Tuy nhiên, phương tiện di chuyển an toàn và tiết kiệm nhất chính là xe buýt. Với giá hiện nay, mỗi lượt xe buýt có giá từ 4 - 5 ngàn đồng. Nếu mua vé năm dành cho đối tượng SV thì 84 ngàn đồng/xấp (60 vé). Ngoài ra, mỗi SV cũng cần một khoản tiền từ 200 - 500 ngàn đồng/tháng dùng tiêu vặt và mua các đồ dùng cần thiết.

Như vậy, tính trung bình mỗi SV xa nhà đi học ĐH cần tối thiểu từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt (chưa kể tiền học phí, học thêm, các khoản thu khác và chi phí phát sinh). Mỗi năm thời gian học tập trung bình của các trường là 10 tháng, nên các bậc phụ huynh cần chuẩn bị một khoản tiền từ 15 - 20 triệu đồng tiền sinh hoạt cho con đi học.

Mức học phí các trường công lập 

Mức trần học phí trình độ ĐH tại các trường công lập theo nhóm ngành như bảng dưới đây. Mức trần học phí với bậc TCCN, CĐ có hệ số lần lượt là 0,7 và 0,8 so với học phí ĐH.

 Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.