Xóm vô thừa nhận xứ Nghệ

01/09/2011 12:03 GMT+7

Không phải là xóm của những người giỏi trào phúng như trong giai thoại, Ba Giai là tên mà 34 hộ dân ở xã Diễn Nguyên, H. Diễn Châu, Nghệ An tự đặt nơi ở của mình, thuộc đất một huyện kề bên…

Người dân ở đây tự gọi xóm mình bằng tên Ba Giai. Ba Giai có 34 nóc nhà nằm bên con sông Bùng, biệt lập với những ngôi làng trù phú khác. Xóm không có tên trong bản đồ hành chính của xã Diễn Nguyên. Ông Ngô Xuân Minh, Phó chủ tịch HĐND xã Diễn Nguyên dẫn chúng tôi đến Ba Giai. Qua con đường gồ ghề lổn nhổn đất đá vắt ngang cánh đồng là 27 nóc nhà nằm sát bên sông mà trong ngôn ngữ hành chính của xã gọi là khóm 1. Họ đều là những hộ dân nghèo.

Ông Nguyễn Đức Quang, 69 tuổi, không nhớ rõ lịch sử xóm mình được hình thành từ lúc nào. Ông chỉ biết mình sinh ra và lớn lên đã ở cái xóm này. “Xóm chúng tôi đều là giáo dân. Chúng tôi là dân xã Diễn Nguyên, sống trên thuyền trôi dạt khắp nơi, không nhà, không cửa. Đến năm 1970, nhiều người lên bãi đất này dựng nhà, lúc đó cũng chẳng biết đây là địa bàn của huyện nào, thấy mô đất cao thì ở. Sau đó, những người khác cũng theo lên làm nhà sinh sống. Năm 1989, vì quá nghèo khổ, đất đai sản xuất không có, nghề đánh cá cũng không đủ sống, rất nhiều gia đình bỏ xứ vào Bình Thuận lập nghiệp, chỉ còn mấy nhà bám trụ ở lại cho đến nay”, ông Quang nhớ lại.

 
Cư dân xóm… bơ vơ - Ảnh: K.Hoan 

Bây giờ, xóm Ba Giai này đã có 34 nóc nhà, nhưng chia làm 3 cụm mà xã gọi là khóm. Ở khóm 1 này có 27 nhà, khóm 2 có 5 nhà và khóm 3 ở cách đó hơn cây số chỉ có 3 hộ. Ở khóm 1, người dân đang sinh sống không phải trên đất Diễn Nguyên mà là thuộc địa giới của xã Nhân Thành, H. Yên Thành. Chính vì thế mà rắc rối và thiệt thòi đã luôn thuộc về họ từ nhiều thế hệ nay.   

Tên xóm không được thừa nhận, đất ở không được cấp sổ đỏ, không có điểm trường mẫu giáo, dân không được chia ruộng sản xuất, điện lưới phải kéo từ xã Diễn Minh kề bên… Ông Quang có 10 người con, trừ cô con gái lấy chồng xa, còn lại đều sinh sống trong cái xóm này. Từ lâu, vợ chồng ông chỉ có chưa đầy 400 m2 ruộng để nuôi 10 đứa con. Ở xóm, nhà nhiều nhất cũng chỉ được chưa đầy 2 sào ruộng do dân tự khai hoang. Để sinh sống, người dân đã phải tự xoay đủ cách, làm đủ nghề. Con sông Bùng nhỏ bé, nước đục ngầu trước là nguồn sống cho cả xóm nhưng nay tôm cá chẳng còn. May mà các thủ tục khai sinh, khai tử, làm hộ khẩu, đi bỏ phiếu… người dân xóm bơ vơ vẫn được chính quyền xã Diễn Nguyên chấp nhận. Ông Ngô Xuân Minh, Phó chủ tịch HĐND xã cho biết đã nhiều năm nay, vấn đề lập xóm cho 34 hộ dân này đã nhiều lần được đưa ra hội đồng xã. UBND xã đã có nhiều đơn, tờ trình lên huyện để xin thành lập xóm nhưng đều chưa được.

Ông Minh chỉ biết nguyên nhân là do dân của xã Diễn Nguyên nhưng họ lại đang sinh sống trên đất thuộc địa giới H. Yên Thành nên rất khó giải quyết. Cùng số phận, 8 hộ dân của xóm này đang sống ở gần các xóm 4 và 5 thuộc đất Diễn Nguyên nhưng họ vẫn không được nhập vào các xóm này. Ông Minh nói do dân các xóm đó không chịu cho họ nhập vào, vì thế họ cứ như những công dân bơ vơ, lẻ loi.

Ông Trần Mạnh, Trưởng phòng Nội Vụ UBND H.Diễn Châu lý giải nguyên nhân khiến 34 hộ dân này bơ vơ là ngoài lý do về địa giới hành chính thì còn do chưa đủ tiêu chí (về số dân) để thành lập xóm. “Tuy nhiên, trước nhu cầu chính đáng của người dân, chúng tôi đã làm tờ trình, đề xuất Sở Nội vụ tìm hướng giải quyết. Có thể đề nghị tỉnh điều chỉnh địa giới hành chính và đặc cách trong tiêu chí thành lập đơn vị hành chính cấp xóm để thành lập xóm cho những hộ dân này. Lâu nay, việc không được công nhận đơn vị hành chính thuộc xã nào đã gây nhiều thiệt thòi cho họ”, ông Mạnh nói.

Không được gọi là xóm, 160 con người sống trong 34 nóc nhà này cử một người đứng đầu gọi là tổ trưởng, không có hội, đoàn, tổ chức gì hết. Và người dân luôn mặc cảm vì thấy mình lẻ loi, bơ vơ như những cư dân vô thừa nhận khi không có nổi một cái tên xóm, tên làng...

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.