Trung Quốc - Philippines cam kết về biển Đông

01/09/2011 23:48 GMT+7

Dù chưa đạt được kết quả cụ thể, các nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc cùng cam kết sẽ giải quyết tranh chấp trên biển theo hướng hòa bình.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 1.9 ra tuyên bố chung hai bên cam kết đối thoại hòa bình về vấn đề tranh chấp ở biển Đông, theo AFP. Tuyên bố trên được đưa ra sau buổi hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của ông Aquino III.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Tổng thống Aquino III cho biết có thể hy vọng về “kết cục khả quan” đối với vấn đề tranh chấp. Dù không đạt thỏa thuận về một cách tiếp cận cụ thể để giải quyết xung đột, hai bên cùng nhất trí rằng vấn đề này cần được xử lý theo hướng hòa bình, theo đài ABS-CBN.


Ông Hồ Cẩm Đào (phải) tiếp ông Aquino III ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters 

Trong cuộc họp báo, ông Aquino III nhấn mạnh rằng những sự khác biệt nên được giải quyết dựa trên luật quốc tế. Tranh chấp ở biển Đông là vấn đề khu vực nên cũng cần giải pháp trên bình diện khu vực. “Quan điểm của chúng tôi trước đây quá khác biệt. Trong dịp đặc biệt này, chúng tôi đạt được đồng thuận nhằm tìm kiếm những biện pháp hòa bình, cùng trao đổi để đưa ra một cơ chế thích hợp”, AFP dẫn lời Tổng thống Philippines nói. Về phần mình, ông Hồ Cẩm Đào đồng ý sẽ giải quyết tranh chấp theo hướng hòa bình nhưng vẫn bảo lưu rằng vấn đề nên được tham vấn và thương lượng song phương. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi tích cực Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Tờ Manila Standard Today dẫn lời Tổng thống Aquino III cho biết thêm Philippines đang nghiên cứu mọi cơ chế có thể trong nỗ lực giải quyết câu hỏi về chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Hiện có khoảng 5-6 hướng đi và Manila sẽ cẩn thận đánh giá toàn bộ.

Chưa thăm dò dầu khí chung

Bất chấp những bất đồng về chủ quyền vùng biển, lãnh đạo hai nước đều thống nhất rằng không nên để vấn đề này làm ảnh hưởng quan hệ song phương. Ngày 31.8, hai bên đã ký 9 thỏa thuận, bao gồm kế hoạch tăng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỉ USD từ nay đến năm 2016.

Một điểm đáng chú ý trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Aquino III là, hai bên không thông qua được thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trị giá 1 tỉ USD ở biển Đông, theo ABS-CBN. Lễ ký kết dự kiến đã không diễn ra như mong đợi do trục trặc về mặt thủ tục giữa các đối tác dầu khí Philippines và Trung Quốc. Tổng thống Philippines cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận lại ở các cấp thấp hơn. “Tính đến thời điểm này, không có gì là chắc chắn cả”, ông Aquino III nói. Ông cũng bác bỏ thông tin rằng Philippines đang triển khai hoạt động xây dựng tại khu vực do nước này kiểm soát ở Trường Sa.

Cũng trong ngày 1.9, Tổng thống Philippines Aquino III có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, theo AFP. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục thảo luận với Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn cũng như gặp gỡ lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp ở Thượng Hải và Hạ Môn.  

Trung Quốc trấn an về hải quân

Trong cuộc họp báo ngày 31.8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho hay tàu sân bay của nước này “đã đạt mục tiêu đề ra” trong chuyến chạy thử hồi đầu tháng 8 nhưng không nói rõ mục tiêu gì. Tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lời ông Dương nói những công việc liên quan tới tàu sân bay sau này sẽ căn cứ vào các đợt thử nghiệm sắp tới để quyết định. Ông này cũng khẳng định Trung Quốc kiên trì chính sách phòng ngự biển tích cực, không nhằm vào “mục tiêu cụ thể nào”.

Ông Dương cũng khẳng định Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác tốt và đang nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác chiến lược. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Báo Financial Times dẫn nguồn tin giấu tên nói hồi tháng 7, tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ va chạm với tàu Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1.9, Chính phủ Ấn Độ ra thông cáo xác nhận sự việc này nhưng bác bỏ rằng đây là một “cuộc đụng độ”. AFP dẫn thông cáo cho hay vào ngày 22.7, tàu INS Airavat vừa rời vùng biển Việt Nam sau chuyến thăm Nha Trang và tiến vào vùng biển quốc tế thì xuất hiện một tàu tự nhận là tàu chiến Trung Quốc yêu cầu tàu Ấn Độ công bố danh tính cũng như giải thích sự hiện diện của mình tại biển Đông. “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do đi lại đúng luật pháp trên vùng biển quốc tế”, thông cáo viết. Theo AFP, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông đã hỏi Bộ Quốc phòng nước này về vụ việc nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Ngọc Bi - Thụy Miên

 

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.