Giảm tải và chấm dứt lạm thu

31/08/2011 23:27 GMT+7

Bỏ thi theo cụm, chấm chéo Giảm tải nội dung sách giáo khoa, chống lạm thu, đổi mới thi cử là những vấn đề được Bộ GD-ĐT tập trung giải đáp trong buổi họp báo nhân dịp năm học mới được tổ chức hôm qua 31.8.

Trẻ lớp chồi trường Mầm non P.15, Q.11, TP.HCM vui chơi trong ngày khánh thành trường ngày 31.8  - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tài liệu giảm tải sẽ có trước năm học

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc ban hành tài liệu giảm tải và làm thế nào để giảm tải thực sự phát huy hiệu quả bằng cách quản lý dạy thêm tràn lan, kiểm soát việc đưa thêm bài tập nâng cao so với chương trình? Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho biết: sau khi tiếp nhận các ý kiến góp ý, công văn hướng dẫn kèm theo tài liệu giảm tải sẽ được hoàn thiện và gửi về các địa phương trước khai giảng năm học mới để giáo viên căn cứ áp dụng thực hiện. Không chỉ ban hành tài liệu giảm tải, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra thường xuyên về việc thực hiện giảm tải của các địa phương trên toàn quốc.

Có hai khoản mà Bộ cấm các trường huy động đóng góp của phụ huynh dưới bất cứ hình thức nào, đó là việc thu tiền để hỗ trợ hoạt động dạy học và thu tiền để thưởng cho cán bộ, giáo viên của trường

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Ông Chuẩn thông tin: việc giảm tải sẽ được chỉ đạo thống nhất với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử, từng bước chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thì lý giải: sở dĩ việc hướng dẫn giảm tải mới chỉ tập trung vào chương trình chuẩn, chưa đề cập đến nội dung của phần nâng cao là vì chương trình nâng cao chưa phải là vấn đề thực sự bức xúc cần phải điều chỉnh trong thời gian vừa qua. Giảm tải chương trình chuẩn là nhằm hướng tới việc điều chỉnh những nội dung kiến thức căn bản nhất, tác động tới tất cả các đối tượng học sinh.

Liên quan đến việc điều chỉnh nội dung chương trình, sách giáo khoa, ông Hiển cho biết có những ý kiến góp ý cần phải điều chỉnh những bất cập trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành rất đáng lưu tâm nhưng chưa thể thực hiện ngay trong một vài năm học tới mà phải chờ đến khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới có thể làm được. Từ nay đến thời điểm đó, việc giảm tải, điều chỉnh nội dung dạy học sẽ được tiến hành đều đặn hằng năm. “Giảm tải nhưng học sinh và giáo viên vẫn hoàn toàn có thể sử dụng sách giáo khoa cũ, không phải mua sách giáo khoa mới” - ông Hiển khẳng định.

Chấm dứt lạm thu?

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, theo ông Phạm Mạnh Hùng - Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT đó là, sẽ chấm dứt tình trạng lạm thu trong các nhà trường, cương quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

Sẽ xử lý kịp thời vi phạm trong xét tuyển NV2

Xung quanh hiện tượng tuyển sinh NV2 có nhiều biểu hiện vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT mà dư luận phản ánh trong thời gian vừa qua, ông Ngô Kim Khôi - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) thông tin: Ngày 30.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định tiến hành kiểm tra, thanh tra quá trình xét tuyển NV2 của các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc theo 7 nội dung cơ bản mà công điện khẩn của Bộ trưởng đã phát đi trước đó. Trước đòi hỏi của thực tế nên việc thanh kiểm tra được tiến hành sớm hơn thường lệ. Nếu phát hiện trường nào vi phạm sẽ cương quyết xử lý kịp thời.

Tuyết Mai

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về các giải pháp cụ thể để thực hiện được nhiệm vụ nói trên, ông Bùi Hồng Quang - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: có 3 nhóm giải pháp chính trong năm học này, đó là: yêu cầu các nhà trường thực hiện tốt vấn đề 3 công khai, minh bạch hóa công tác thu chi; tăng cường kiểm tra giám sát của người học, của gia đình và toàn xã hội; phối hợp với UBND các địa phương từ đầu năm để ngăn chặn và tiến hành trong suốt năm học để kịp thời xử lý các vấn đề vi phạm nếu có.

Ông Nguyễn Vinh Hiển làm rõ thêm: đối với các khoản thu tự nguyện, dù dưới bất cứ hình thức nào để bắt buộc phụ huynh phải nộp đều là hành động vi phạm. “Bộ khuyến khích các phụ huynh học sinh có ý kiến phản đối các khoản thu vô lý, nếu đã đồng ý đóng góp thì phụ huynh cần tự hạch toán thu chi để số tiền đó sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích”.

Ông Hiển cũng nêu rõ: có hai khoản mà Bộ cấm các trường huy động đóng góp của phụ huynh dưới bất cứ hình thức nào, đó là việc thu tiền để hỗ trợ hoạt động dạy học và thu tiền để thưởng cho cán bộ, giáo viên của trường.

Bên cạnh đó, từ năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới công tác thanh kiểm tra theo hướng sát sao hơn.

Bỏ thi theo cụm, chấm chéo

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong năm học tới, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ giao cho Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định về việc tổ chức kỳ thi phù hợp với năng lực và điều kiện của địa phương mình; Giám đốc Sở GD-ĐT cũng là người chủ động quyết định trong việc tổ chức chấm thi, chấm đổi chéo các bài thi tự luận giữa các khu vực trong phạm vi tỉnh, TP mình.

Ông Nghĩa cũng cho biết, việc thay đổi chế độ, chính sách ưu đãi với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đang được trình để Bộ trưởng phê duyệt. Dù chưa thể thông tin cụ thể nhưng việc đổi mới sẽ theo hướng cởi mở và tạo điều kiện nhiều hơn cho học sinh.

Như vậy, theo những gì ông Nghĩa thông tin thì việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận trên quy mô toàn quốc, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT sẽ chính thức được bãi bỏ từ năm học tới.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.