Sa tặc hoành hành trên sông Đuống

29/08/2011 08:28 GMT+7

Hằng ngày, trên sông Đuống có hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ đào khoét, khai thác cát sỏi trái phép hai bên bờ.

Có mặt ở sông Đuống - khu vực cầu Hồ nối liền thị trấn Hồ và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh từ sáng sớm, phóng viên Thanh Niên được tận mắt chứng kiến những chiếc sà lan nổ máy hút cát ngay giữa ban ngày.

Sau khi hút đầy cát, từng chiếc thuyền tuần tự đi vào bãi tập kết ngay cạnh điểm khai thác để vận chuyển cát lên bờ.


Những bãi tập kết cát trái phép hai bên bờ sông Đuống

Cùng anh Trịnh Đình Kiêm, đội trưởng đội công trình Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 4 đi ca nô dọc dòng sông Đuống, chúng tôi đếm được chưa đầy chục cây số có đến hàng chục tàu thuyền trọng tải lớn nhỏ khai thác cát, khiến đôi bờ sông lở lói, nước sông đục ngầu.

Anh Kiêm cho biết: “Đây là kết quả của những chuyến hút trộm cát non ở lòng sông Đuống vào ban đêm và sáng sớm. Có khi cả ban ngày, chúng ngang nhiên khai thác cát già gần khu vực đất bãi khi không có lực lượng tuần tra liên ngành đi rà soát”.

Tiếp xúc với phóng viên, một số hộ dân có đất bồi ven sông Đuống lo lắng, bức xúc về tình trạng đào bới lòng sông khiến sạt lở đất canh tác.

Chị Bùi Thị Hậu, xã viên xã Tân Chi, huyện Tiên Du, có 3 sào đất bồi ven sông Đuống chỉ tay về cánh đồng ở bãi bồi rộng mấy héc-ta cách đó không xa, cho biết: “Chúng tôi trước cũng ở ngoài bãi, nhưng từ ngày đất sạt lở phải di dời vào trong làng, ngoài bãi chỉ để trồng màu, nhưng diện tích đất bãi bây giờ không còn nhiều như ngày trước, một phần người dân lo sợ đội quân khai thác đào rỗng chân bãi, ruộng bãi đổ sập xuống lòng sông nên không dám canh tác”.

Anh Sơn, một người dân sống bên sông thuộc thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, nói: “Sắp đến mùa cao điểm mưa bão, chúng tôi sống trực tiếp ven sông lo lắng hơn bao giờ hết. Có ngày mực nước cao điểm ngập đến vạch đỏ chân cầu Hồ”.

Ông Ngô Văn Quyền, một công an viên xã Tân Chi, huyện Tiên Du cho chúng tôi biết: “Thực tế tình trạng khai thác cát diễn ra rất nhiều trên địa bàn, nhưng chính quyền không thể quản lý được. Công an xã cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều lần truy quét, nhưng phương tiện của chúng tôi hạn chế nên khi gần đến nơi chúng đã chạy đi nơi khác, hoặc ngừng hoạt động một thời gian rồi đâu lại vào đấy”.


Con đường dưới chân cầu Hồ bị các phương tiện vận chuyển cát, sỏi cày nát

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Bắc, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bắc Ninh thừa nhận tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Đuống gây ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định của kè, sạt lở diện tích đất canh tác ven sông, mất an ninh trật tự tại khu vực khai thác, gây búc xúc trong nhân dân địa phương.

Ông Bắc cho biết trên tuyến sông Đuống, chỉ có 6 đơn vị được cấp giấy phép còn thời hạn, còn lại là khai thác cát, sỏi trái phép.

Trong thời gian phòng chống lụt bão mùa mưa bão năm nay từ 15.5 - 30.10, các đơn vị phải ngừng hoạt động (kể cả có giấy phép), nhưng trên thực tế các hoạt động vẫn diễn ra trái phép.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh Bắc Ninh có đến 48 bãi tập kết cát, sỏi trái phép thì trên sông Đuống đã có hơn 24 bãi, hơn 30 phương tiện khai thác cát trái phép.

Việc một số chính quyền địa phương cho thuê (đấu thầu) đất để làm bãi tập kết trái thẩm quyền dẫn đến hàng loạt bãi tập kết vật liệu cát sỏi không phép và kéo theo hoạt động khai thác cát trái phép lại khiến cho nạn sa tặc càng khó xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, việc xử phạt các phương tiện khai thác trái phép từ 20 - 25 triệu đồng/tàu thuyền vi phạm là chưa đủ sức răn đe vì nguồn lợi mà các chủ khai thác trái phép thu được cao hơn nên rất nhiều tàu thuyền chấp nhận nộp phạt để khai thác cát trái phép, ông Bắc cho biết thêm.

Bài, ảnh: Thu Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.