Thuở bé đi xem phim

27/08/2011 17:45 GMT+7

(TNTS) Công nhận con nít thời này sướng thật, văn hóa nghe nhìn tràn ngập khắp nơi. Chả bù cho thời con nít của mình, cả xóm may ra mới có một cái đài, còn phim là món văn hóa cao sang, một hai tháng mới có một lần. Những năm sáu mươi, khi máy bay Mỹ chưa cày nát thị trấn quê mình, có hai đội chiếu bóng lưu động vẫn thay nhau chiếu phim, đó là đội chiếu bóng 111 và 175. Thời này các đội chiếu bóng di chuyển bằng xe ba gác hoặc đòn khiêng, chiếu phim ở vùng nào dân vùng đó chịu trách nhiệm vận chuyển. Nghe tin có phim, địa phương liền cắt cử dân công đi đón đoàn phim về, có khi phải đi năm bảy ngày, trèo đèo lội suối mới đem được phim về, vất vả lắm nhưng tuyệt không ai kêu ca. Có phim là phúc đức rồi, nhiều nơi vùng sâu vùng xa chẳng hề biết phim trú là gì.

Đừng nói vùng sâu vùng xa, ngay thị trấn quê mình cũng vậy, nhiều người không biết phim ảnh là gì. Mình nhớ năm 1962, anh Mỹ (Nguyễn Quang Mỹ), anh cả của mình, học ở Liên Xô về nghỉ hè có mang theo một máy ảnh. Anh chụp ảnh cho cả làng. Dân làng kéo tới đông nghịt, chỉ mong được anh chụp ảnh cho. Trước khi đi, anh Mỹ tráng phim rồi gửi phim lại cho từng nhà để họ vào Đồng Hới làm ảnh. Nhiều người cầm mấy tấm phim thì tái mặt, chửi um lên, nói thằng Mỹ chụp ảnh như cứt ẻ,  ảnh mà đen thui như cứt chó ri à. Họ đua nhau đến nhà mình trả phim. Ba mình và anh Mỹ ra sức giải thích, chẳng ai tin, hết thảy đều làm mặt giận, nói thôi, cảm ơn, tưởng ảnh ra răng chứ như ri thì tụi tui ra ang nước soi mặt mình còn thấy rõ hơn. Hi hi.

 
Ảnh: Nam Phương

Ảnh đã thế, phim lại càng bí hiểm. Chả ai hiểu vì sao khi máy quay phim phụt ra một luồng ánh sáng chiếu lên tấm vải trắng to bằng hai chiếc chiếu, bỗng hiện ra cả một thế giới người và xe, máy bay và tàu hỏa, cả chó mèo lợn gà đi lại nhảy nhót nói cười hú hét náo hoạt, vô cùng kỳ thú. Những ai lần đầu mới xem phim đều mắt tròn mắt dẹt, chậc lưỡi liên tục, nói tài hè tài hè. Nhiều người tưởng người và xe bay từ ống kính máy quay ra rồi đậu lên màn chiếu nên đi lại đứng ngồi cố tránh cái luồng sáng phát ra từ máy chiếu. Chị Q. hơn mình chục tuổi nhưng học lớp 1 với mình. Có lần chị đem thằng cu Nhỏ đi xem phim. Bà chị học lớp 1 dắt thằng em học lớp 3 đi xem, khi nào cũng sợ nó bị lạc. Thằng cu Nhỏ muốn đi ngang qua bãi sang ngồi với mình. Khi nó đi qua luồng sáng của máy chiếu, chị Quy kêu to, nói cúi thấp xuống Nhỏ ơi, cúi thấp xuống, không ô tô đâm chết cha mi chừ.

Bà Thiển ở sau nhà mình chưa bao giờ đi xem phim, thằng cu Hải con bà khóc lên khóc xuống đòi đi cho bằng được. Bà chạy sang nhà mình hỏi mạ mình, nói phim có hay không thím. Mạ mình mắt trợn tay khua, nói oa chà, phim không hay thì cái chi hay. Bà Thiên nghe nói vậy là dắt cu Hải đi liền. Bữa đó chiếu phim chiến đấu Liên Xô, mới xem bà thích lắm, nói cha tổ, răng mà tài rứa hè. Được vài ba phút, bom nổ pháo bắn tứ tung, bà hoảng hồn vội vàng kéo thằng Hải ra về, nói ẻ quẹt không xem nữa, về mau không tên bay đạn lạc.

Sau rồi quen, ai cũng mê phim, nhất là phim chiến đấu. Mình nhớ buổi chiều mùa hè 1963, khi loa phóng thanh của thị trấn thông báo, nói a lô a lô, tối hôm nay đội chiếu bóng 111 phục vụ bà con bộ phim Thượng Cam Lĩnh, phim chiến đấu của Trung Quốc, cả thị trấn bỗng rộ lên một tiếng ồn, y chang bây giờ dân xem ti vi trận chung kết World Cup, có một quả sút vào lưới vậy. Con nít xem phim chiến đấu cứ hỏi nhau quân hắn mô, quân mình mô, cãi nhau loạn cả lên. Hồi đó bộ đội Trung Quốc, Liên Xô gọi là hồng quân, chẳng hiểu sao lại gọi thế. Khổ nỗi Hồng quân ăn mặc na ná quân Tưởng Giới Thạch, con nít chẳng biết đâu mà lần. Quân Tưởng Giới Thạch ôm súng ào ào xông lên, con nít sướng quá rú lên, nhảy cà tẩng, nói a ha ha… quân mình quân mình. Sau biết nhầm, cả lũ ngồi xuống tẽn tò nhìn nhau lẩm bẩm, nói quân hắn quân hắn, cứt ẻ cứt ẻ.

Một hôm chiếu phim Cờ hồng trên núi Thúy, đoạn cuối cùng người lính Hồng quân ôm thủ pháo lao xuống cả vạn quân Tưởng Giới Thạch. Cận cảnh người lính ôm thủ pháo nhún mấy nhún, lao thẳng ra như sắp bay ra khỏi màn chiếu. Cả bãi chiếu phim bỏ chạy tán loạn, người hét chạy mau, người hét nằm xuống. Hi hi.

Sau phim chiến đấu, dân chúng rất mê phim tâm lý Liên Xô. Chỉ có phim tâm lý Liên Xô mới có màn yêu đương ngọt ngào, phim ta phim Tàu tuyệt nhiên không có, đặc biệt các pha hôn hít. Phim tâm lý Liên Xô người được ôm nhau hôn hít thoải mái, hôn môi đấu lưỡi đàng hoàng. Chỉ tức cái đến đoạn hai môi sắp dính vào nhau là người phụ trách chiếu phim lại lấy tay che ống kính. Nhiều người cười, lắm kẻ chậc lưỡi xuýt xoa tiếc rẻ. Lắm khi tức quá, người ta la ó rầm trời, nói thả ra thả ra, vơ chiếu phim nời, thả ra cho người ta coi (xem) với.

Rất ít khi được xem phim tâm lý của Đông Đức hay Ba Lan vì các phim này được xem là phim đồi trụy. Thỉnh thoảng vẫn lọt ra vài phim, hôn nhau chán chê, chàng ấn nàng xuống rồi chuyển sang cảnh “xong rồi”, chỉ thế thôi nhưng dân chúng sướng mê man. Đôi khi chàng kéo tay nàng hoặc bế xốc nàng chạy vào buồng trong rồi chuyển sang cảnh “ xong rồi”. Bất kỳ khi nào đến đoạn chàng kéo nàng vào buồng trong, thể nào cũng có vài chục người cả con nít lẫn thanh niên chạy rật rật ra sau màn chiếu, hy vọng mục sở thị cái buồng trong ấy, hi hi.

Có lẽ đặc sắc nhất vẫn là anh cu Luật, có thể nói anh là khán giả kỳ khôi nhất thế giới. Người ta có thể lẫn lộn phim với đời một đôi lần, anh cu Luật không bao giờ tách bạch được phim với đời khác nhau chỗ nào. Người ta giải thích thế nào anh cũng không tin. Anh đứng chống nạnh hất mặt chăm chú nghe, hễ ai nói trái tai là anh nhảy lên màn chiếu cãi liền, nói ê ê sai sai, trật trật, nói rứa mà được à, vô lý vô lý. Mọi người nói phim mà, người ta không nghe anh nói mô. Anh cãi, nói răng họ nói với nhau nghe cả?

Mình nhớ có phim gì đó kể có cậu học sinh giúp đỡ một người bị tai nạn, đi học muộn, cô giáo không biết phê bình cậu bé. Thế là anh nhảy xổ lên màn hình vung chân múa tay nói ê ê trật trật ! Cô giáo mà rứa à! Sai sai, sai trắng mắt ra rồi nghe. Mọi người cười, anh quay lại quát cười con cu tau à, nói sai tau cãi chớ.

Phim Việt Nam cãi nhau còn dễ, phim nước ngoài nhiều khi thuyết minh nhanh quá anh nghe không thủng, mặt mày căng thẳng vô cùng, nhăn nhó làu bàu, nói nó nói cái tiếng cứt ẻ chi mình nghe không ra, tức mới gớm chơ. Có hôm anh nhảy xổ vào buồng chiếu, chỉ mặt thuyết minh nói ê ê nói lại tui nghe, nói lại tui nghe.

Xem phim Liên Xô, hình như là phim Mối tình qua những bức thư, nghe một Hồng quân Liên Xô cãi nhau với lính Đức, anh nghe không thủng, loáng thoáng nghe Hồng quân Liên xô nói người lính không nên hy sinh ngu xuẩn như vậy. Anh nhảy một phát lên màn chiếu nói sai sai, ngu ngu. Người lính không hy sinh thì làm người lính làm cái chi. Ngu chi ngu tàn bạo. Mọi người nói Liên Xô nói đó, quân mình nói đó, không phải quân hắn mô. Anh tẽn tò quay lại nói không phải phát xít Đức nói à? Mọi người nói không, anh nói ua chầu chầu, Liên Xô răng nói rứa hè. Lần sau để chắc ăn, anh hỏi mọi người cái người vừa nói câu ngu ngu kia là quân mình hay quân hắn. Mọi người nói quân hắn là anh nhảy lên cãi nhau ngay. Đôi khi anh còn lột dép ném vào mặt người ta nữa.

Nhiều giai thoại về “bọ đi xem phim” có lẽ xuất phát từ chuyện xem phim của anh cu Luật. Sau năm 1975 mình ra Hà Nội học, tụi bạn Bắc Kỳ vẫn hay kể chuyện bọ trêu mình. Chuyện bọ vào rạp xem phim thấy bộ đội bắn máy bay liền đứng lên chỉ trỏ, nói đó đó bắn đi bắn đi các con ơi. Thấy máy bay hắn thả bom, bọ hét vang, nói nằm xuống. Mọi người cười, bọ quay lại mắng, nói cười cái cu tau, Khu 4 choa đó, Khu 3 mần chi mà có.

 Nghỉ hè mình về quê, kể chuyện này cho anh cu Luật (hồi này anh già rồi, thành bọ rồi), nói anh ra Hà Nội xem phim chiến đấu à. Anh cười cái hậc, nói ừ, dân Hà Nội ngu lắm, máy bay thả bom, tau hét nằm xuống, chẳng ai nằm còn ngồi đó nhăn răng cười, ngu rứa không biết.

 He he.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.