Nhớ chè bà ba

26/08/2011 17:31 GMT+7

Ngày nhỏ, mẹ hay nấu cho tôi món chè bà ba. Mẹ tôi thứ ba, hàng xóm hay gọi là bà ba. Mỗi lần mẹ nấu, tôi lại đùa đây là món chè của mẹ. Chè bà ba của bà ba nhà mình. Mẹ cười, nghe đâu bà Ba nào đó làm ra công thức món chè này.

Thực hư thế nào chưa biết, chỉ biết cái hương vị đậm đà, béo ngậy, ngọt thanh và thơm lừng của chén chè cứ ám ảnh lấy mình.

Hơn nửa thế kỷ trước, ở chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) có quán chè của bà Ba. Bà là người nghĩ ra cách nấu món chè với đâu chừng 9, 10 thứ nguyên liệu. Người ta mới lấy tên bà Ba đặt cho món chè. Nhưng cũng có lời đồn, gọi chè bà ba vì đây là món chè ngon, độc đáo giống như người con gái miền Tây mặc áo bà ba, nét đẹp vừa giản dị vừa lộng lẫy. Tên chè đã nhiều giai thoại, cách nấu chè cũng lắm công phu.

Món chè Nam Bộ này cần nhiều nguyên liệu. Cắt lá dứa rửa sạch và giã nhuyễn, vắt lấy nước. Đem đậu xanh cà (loại này đã được giã cho hạt vỡ đôi) ngâm nước cho mềm rồi đãi sạch vỏ. Nấm mèo ngâm nước cho mềm, rửa sạch rồi cắt sợi nhỏ. Lấy khoai mì (sắn) lột vỏ, rửa sạch và đem mài nhuyễn. Sau đó vắt cho khoai mì mài ráo nước, trộn với một ít nước lá dứa và vo thành viên. Lấy bột năng nhồi với nước ấm cho đến khi dẻo lại rồi cán thành lớp dày khoảng 0,3 cm và xắt sợi dài khoảng 0,5 cm. Khoai lang gọt sạch vỏ và ngâm nước. Sau khi rửa lại, đem cắt khoai thành từng miếng vuông. Đổ nước ấm vào dừa nạo sẵn, vắt lấy 1 chén nước cốt; sau đó vắt khoảng 1-2 lít nước gião. Cho nước gião vào nồi, bắc lên lửa đun sôi.

Nước sôi, cho đậu vào nấu chín, rồi nêm đường vào nồi chè. Tránh nêm đường trước rồi mới cho đậu vào vì như vậy sẽ làm đậu khó mềm. Sau đó, cho tiếp khoai lang, nấm mèo vào. Khoảng 15 phút sau cho tiếp bột năng, khoai mì. Người nấu phải biết canh lửa cho mọi thứ vừa chín. Nếu bột năng và khoai mì quá chín sẽ dễ làm nồi chè đặc sệt. Tốt nhất là nên luộc riêng bột năng và khoai mì với nước sôi. Khi bột và khoai chín thì vớt ra, đến khi chè chín thì cho vào, không cần phải canh lửa. Khi chè chín, có thể nêm lại ngọt vừa, cho chén nước cốt dừa vào, khuấy đều nồi chè.

Nhiều người nấu chè bà ba còn cho thêm đậu trắng, đậu đen, đậu phộng (lạc) hay chuối. Người Nam Bộ nấu chè thường dằn thêm chút muối. Vì nhiều nguyên liệu nên vị ngọt của chè bà ba luôn thanh hơn nhiều loại chè khác. Chính vị ngọt thanh hòa với vị mằn mặn và hương béo ngậy của nước cốt dừa làm người thưởng thức rất khó quên.

Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.