Chứng khoán Âu, Mỹ duy trì sắc xanh, châu Á quay đầu giảm điểm

25/08/2011 08:25 GMT+7

* Giá vàng tụt giảm mạnh (TNO) Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.8 (vào rạng sáng nay, 25.8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc của các chỉ số chứng khoán thuộc khu vực châu u, Mỹ; trong khi đó, các bảng giao dịch điện tử tại châu Á lại đồng loạt đỏ đèn.

Tại Phố Wall (Mỹ), thông tin số đơn đặt hàng các mặt hàng bền tại các nhà máy tại Mỹ tăng lên, cùng với giá nhà đất có những biến chuyển lạc quan đã giúp chỉ số thị trường S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất trong vòng 1 tuần qua.

Chốt phiên 24.8, S&P 500 tăng 1,3%, lên mức 1.177,6 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial được cộng thêm 143,95 điểm trong phiên này, tương đương tăng 1,3% so với phiên trước đó, lên thành 11.320,71 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,9%, lên thành 2.467,69 điểm.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, số đơn đặt hàng tại các nhà máy Mỹ trong tháng 7 vừa qua đã tăng tới 4%, vượt trội so với mức tăng 1,3% hồi tháng 6. Trước đó, các chuyên gia dự đoán cũng chỉ kỳ vọng ở mức tăng 2%.

Trong phiên này, nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng tăng điểm mạnh nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, tăng 2,8%.

Chỉ số KBW Bank với sự góp mặt của 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng tăng mạnh 3,3%. Cổ phiếu của Bank of America tăng 11%; cổ phiếu của JPMorgan Chase tăng 3%; cổ phiếu Citigroup tăng 4,1%.

Giá nhà tăng hơn dự kiến đã giúp cổ phiếu của các công ty nhà đất tại Mỹ như D.R. Horton tăng mạnh 5,7%; cổ phiếu Toll Brothers tăng 4,6%.

* Tại châu u, các chỉ số chứng khoán trong khu vực ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp cũng nhờ vào việc đơn đặt hàng các mặt hàng bền tại Mỹ tăng cao.

Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng 1,4% trong phiên này. Toàn bộ 18 thị trường cấp quốc gia trong khu vực đều tăng điểm ở mức khá. Cụ thể: FTSE 100 của Anh tăng 1,49%, chốt phiên ở mức 5.205,85 điểm. CAC 40 của Pháp tăng 1,79%, lên thành 3.139,55 điểm; DAX của Đức tăng mạnh 2,69%, chốt phiên 24.8 ở mức 5.681,08 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 1,08%; FTSE MIB của Ý tăng 1,86%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 0,57%; ISEQ của Ireland tăng 1,32%...

* Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán bất ngờ quay đầu giảm điểm khi có tin đồn rằng cuộc họp mặt thường niên của Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 26.8 tại Jackson Hole, Wyoming sẽ chưa thể đem lại một gói trợ giúp nào cho kinh tế Mỹ.

Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,2%, xuống còn 119,34 điểm. Trong phiên 23.8, chỉ số này đã có bước tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh trong phiên này. Cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial (Nhật Bản) giảm mạnh 2,9%; cổ phiếu của ngân hàng Sumitomo Mitsui, một đối thủ của Mitsubishi UFJ, giảm 1,8%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,07%, xuống còn 8.639,61 điểm; HSI của Hồng Kông để mất tới 408,74 điểm, tương đương giảm 2,06%, xuống còn 19.466,8 điểm.

Tổng kết các thị trường khác trong khu vực: Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,51% và 0,39%. KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,23%. S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,14%. Straits Times của Singapore giảm 1,64%.

Tính từ đầu năm tới nay, MSCI Asia Pacific đã giảm 12%; S&P 500 giảm 7,6%; STXE 600 giảm tới 18%.

* Trên thị trường dầu thô, giá dầu giảm nhẹ do đồng USD tăng giá, bất chấp việc trước đó Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm hơn dự kiến.

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 24.8, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 10 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX - Mỹ) đạt mức 85,16 USD/thùng, giảm 28 cent, tương đương giảm 0,3% so với phiên trước đó.

Hiện giá dầu thô tại Mỹ cao hơn 18% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Trước đó, báo cáo của DOE cho biết, dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước (tính đến 19.8) đã giảm 2,21 triệu thùng, xuống còn 351,8 triệu thùng, trái ngược dự đoán tăng mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Thông tin này đã giúp giá dầu thô có lúc tăng mạnh tới 1,4%.

Giá dầu Brent giao tháng 10 tại London (Anh) tăng nhẹ 84 cent, tương đương tăng 0,8%, chốt phiên 24.8 ở mức 110,15 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa dầu thô Brent và dầu thô WTI hiện ở mức 24,99 USD/thùng.

* Trên thị trường vàng tại New York, giá vàng bất ngờ giảm kỷ lục khi có tin đồn rằng thị trường tài chính sẽ sớm bình ổn. Thông tin này khiến lực cầu trên các sàn giao dịch vàng giảm mạnh.

Giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 tại NYMEX chốt phiên 24.8 ở mức 1.757,3 USD/ounce, giảm mạnh 5,6% so với phiên trước đó. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất đối với thị trường vàng New York kể từ phiên 19.3.2008.

Tổng cộng trong 2 phiên 23 và 24.8, giá vàng giao kỳ hạn tại New York đã giảm tới hơn 7%. So với đầu năm nay, giá vàng tại đây hiện đã tăng 24%.

Trong phiên 23.8, đã có lúc giá vàng thế giới vươn tới mức kỷ lục 1.917,9 USD/ounce.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.