Chứng khoán toàn cầu bất ngờ tụt dốc

19/08/2011 09:11 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 18.8 (vào rạng sáng nay, 19,8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới bất ngờ quay đầu tụt giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ.

Nguyên nhân giảm điểm lần này là do lo ngại rằng đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau suy thoái đang rất chậm chạp. Cùng với đó, thông tin về 8/90 ngân hàng châu u không vượt qua cuộc khảo sát vốn tự có do Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) tiến hành đã khiến các thị trường chứng khoán thế giới rơi vào bi quan.

Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 giảm mạnh tới 4,5%, xuống chốt phiên ở mức 1.140,65 điểm. Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 phiên này đều giảm mạnh trên 1,2%. Trong số 500 mã niêm yết thuộc chỉ số này, chỉ có 10 mã tăng giá trong phiên 18.8.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Industrial tuột khỏi mốc 11.000 điểm khi mất thêm tới 419,63 điểm, tương đương giảm 3,7% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 10.990,58 điểm. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần nhưng đây là lần thứ 4 Dow Jones mất tới hơn 400 điểm trong một phiên.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh 5,2%, xuống còn 2.380,43 điểm. Trong phiên 18.8 này, đã có tới 11,6 tỉ đơn vị cổ phiếu được sang tay trên sàn giao dịch tại New York, cao hơn 44% so với số liệu giao dịch trung bình 3 tháng qua. Giới chuyên gia phân tích nhận định là do nhiều nhà đầu tư lo ngại bối cảnh kinh tế khó khăn đã tìm cách xả hàng chốt lời.

Riêng phiên giảm điểm này đã cuốn theo khoảng 600 tỉ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Cùng với các thông tin quốc tế, chứng khoán Mỹ cũng phải đón nhận một số tin nội bộ không vui trong phiên này: Ngân hàng Dự trữ liên bang chi nhánh Philadelphia cho biết chỉ số phát triển kinh tế tổng thể của khu vực này trong tháng 8 đã giảm xuống còn âm 30,7 điểm, từ mức 3,2 điểm hồi tháng 7, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3.2009 tới nay.

Số liệu thống kê từ cơ quan chính phủ cho hay số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (tính tới 13.8) đã tăng hơn dự kiến. Trong khi đó, giá tiêu dùng trong tháng 7 tăng ở mức mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua. Từ thị trường nhà đất, Hiệp hội chuyên viên địa ốc liên bang (NAR) cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 7 đã giảm hơn mức dự kiến.

Cổ phiếu tài chính - ngân hàng giảm mạnh trong phiên này: cổ phiếu của Bank of America giảm mạnh 6%; cổ phiếu của Citigroup giảm 6,3%. Chỉ số KBW Bank của 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã giảm 5,6%.

* Tại châu u, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua sau khi các tin tức kinh tế không khả quan từ Mỹ được công bố. Cùng với đó, quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định đây chưa phải là thời điểm để FED có bất cứ hành động bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán nào. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm mạnh 4,8% trong phiên này, xuống còn 226,7 điểm.

Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của STXE 600 kể từ tháng 3.2009. Trong 600 mã niêm yết chỉ có 4 mã cổ phiếu tăng điểm. Hiện so với mức đỉnh điểm của năm nay (ghi nhận tháng 2.2011), chỉ số này đã giảm tới 22%.

Toàn bộ 18 thị trường cấp quốc gia trong khu vực này đều giảm điểm. Cụ thể: chỉ số FTSE 100 của Anh để mất tới 239,37 điểm, tương đương giảm 4,49%, xuống còn 5.092,23 điểm. CAC 40 của Pháp giảm 178,3 điểm, tương đương giảm 5,48%, chốt phiên ở mức 3.076,04 điểm. DAX của Đức giảm 346,14 điểm, tương đương giảm 5,82%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, xuống chỉ còn 5.602,8 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 4,7%; FTSE MIB của Ý giảm mạnh gần 1.000 điểm, tương đương giảm 6,15%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 4,02%; ISEQ của Ireland giảm 4,35%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 3,38%.

Ngân hàng Morgan Stanley hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 3,9%, so với mức dự báo 4,2% đã đưa ra trước đó. Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng này, các biện pháp cứu trợ mà châu u áp dụng vẫn chưa đủ sức để trấn áp cơn bão khủng hoảng nợ công đang “cuồng nộ” lan sang các quốc gia trong khu vực.

Cũng theo nhận định của Morgan Stanley, kinh tế Mỹ và châu u hiện “đang ở rất gần suy thoái”.

* Tại châu Á, sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp, chỉ số MSCI Asia Pacific cũng đã quay đầu giảm 1,7% trong phiên 18.8 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN). Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu chậm phục hồi, đồng thời giá trị đồng yen đã tăng lên mức cao nhất kể từ Thế chiến II.

Tổng kết phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản để mất 113,5 điểm, tương đương giảm 1,25%, xuống còn 8.943,76 điểm. HSI của Hồng Kông giảm 272,76 điểm, tương đương giảm 1,34%, chốt phiên ở mức 20.016,3 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 1,61% và 1,79%. KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,7%. S&P/ASX 200 của Úc gảim 1,22%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.