Những chuyên gia "chân đất" - Kỳ 4: Xuất ngoại trình diễn lai tạo lúa

19/08/2011 23:44 GMT+7

Tận dụng khoảng trống trên sân thượng để thử lai tạo lúa, không ngờ ông Trần Thanh Hùng (57 tuổi, ngụ xã Núi Voi, H.Tịnh Biên, An Giang) thành công và còn được mời đến Nicaragua để trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

>> Kỳ 3: Ông Tám lúa giống

 

Cả ngày ông Hùng mải mê trên đồng ruộng - ảnh: Bảo Vân

Ông Trần Thanh Hùng là nông dân “rặt”. Thế nhưng, nhiều giống lúa do ông lai tạo được các nhà khoa học đánh giá đầy triển vọng.

Hiện ông đang sở hữu hơn 30 tổ hợp lai thuần và sắp thuần, chưa kể đang dồn hết tâm huyết để lai tạo giống lúa Néang Nhen, giống lúa thơm đặc sản của người Khmer Bảy Núi đã bị thoái hóa và có nguy cơ mai một.

Chỉ khoái mần ruộng

LAI TẠO GIỐNG NÉANG NHEN

Ông Trần Thanh Hùng cho biết hiện đang dồn hết tâm huyết lai tạo giống lúa Néang Nhen. Đây là giống lúa đặc sản của người Khmer Bảy Núi. Song do đặc tính là giống lúa trung mùa, chỉ trổ bông vào tháng 10 hằng năm, mỗi năm làm chỉ một vụ, thời gian sinh trưởng kéo dài (4 tháng), năng suất thấp, giống lại bị thoái hóa nên nông dân Khmer không còn ưa chuộng. “Tôi đã đi được khoảng 60% đoạn đường. Giống Néang Nhen mới sẽ cho năng suất cao, một vụ lúa chỉ trồng 3 tháng và mỗi năm làm được 2 vụ. Thấy nông dân Khmer quay lưng với giống lúa quý tôi tiếc rẻ nên âm thầm lai tạo, mong giữ lại đặc sản của vùng Bảy Núi”, ông Hùng nói.

Gia đình ông Hùng thuộc hàng khá giả, đất đai rộng lớn nhưng cha ông không muốn con trai theo nghiệp nhà nông mà muốn ông ăn học thành tài. Tuy nhiên, khi đường học đang thênh thang phía trước thì ông lại nhất quyết  “xin về mần ruộng”. Cha mẹ không thuyết phục được nên chạy lo cưới vợ cho con và giao hẳn 3 ha ruộng cho vợ chồng ông canh tác. Từ đó, ông Hùng trở thành nông dân thực thụ.

Vào thời điểm đó, ở vùng Bảy Núi An Giang người ta chỉ làm một vụ lúa mùa, lúa thu hoạch được đổ vào bồ để dành ăn chứ chưa mấy quan tâm đến làm kinh tế. Đến năm 1994, phong trào thay đổi tập quán sản xuất lan tỏa về xã vùng sâu Núi Voi, ông Hùng hăng hái chuyển sang làm lúa thần nông, mỗi năm sản xuất 2 vụ cho năng suất khá cao. Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mỗi năm ông thu hoạch đổ bồ hơn 2.000 giạ lúa.

Năm 1999, ông Hùng được chọn dự lớp tập huấn “Kỹ năng chọn tạo và sản xuất lúa giống” do Viện Nghiên cứu phát triển  (NCPT) đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) tổ chức tại xã Núi Voi. Thế rồi tới mùa nước nổi, đồng ngập trắng, để giết thời gian, ông mua mấy chục giỏ lan về trồng trên sân thượng. Sau đó thấy còn khoảng sân trống, ông mang lúa giống ra cấy để vừa chăm sóc lan, vừa thử thực hành lai giống bằng chút  kiến thức vừa học được.

Theo ông Hùng, cái khó nhất đối với nông dân làm giống là khâu chọn giống. Do không có máy móc hỗ trợ nên họ phải quan sát bằng mắt thường và cảm tính, thấy cây nào ưng ý thì chọn theo kiểu hên xui. “Lúc đầu lai lúa giống cực lắm. Phải chính tay mình gieo cấy, rồi suốt ngày phải nâng niu, chăm sóc đám lúa không rời mắt. Khi cây lúa trổ bông, phải trực canh suốt, sau đó chọn bông tốt vừa trổ (còn nguyên phấn) cắt xéo 1/3 vỏ trấu (khoảng 50 hạt) dùng tăm nhọn khử đực (lấy nhụy bên trong hạt lúa ra), gói kỹ vào giấy bạc chờ sáng hôm sau thụ phấn”, ông Hùng kể.

Tuy cực vậy, nhưng kết quả thu được rất khiêm tốn. Trong số 50 hạt được thụ phấn, chỉ đạt được 10 hạt, còn lại đều lép xẹp. Ông đem gieo 10 hạt vừa lai thì chỉ có vài hạt nảy mầm, sau đó ông tiếp tục đem trồng những hạt lúa mới này. Cứ như vậy, sau mỗi đời lai chọn dòng phân ly, ông ghi chép cẩn thận không để sai sót. Ròng rã suốt 8 vụ lúa trên sân thượng, ông mới có được giống lúa thuần đặt tên NV1.

Ông đem giống lúa mới trồng thử nghiệm trên ruộng nhà, đạt kết quả khá cao: năng suất hơn 7 tấn/ha, kháng rầy, chịu phèn, nhẹ phân bón... Sau đó, giống NV1 được Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống quốc gia. “Hiện nay tôi đang phối hợp với Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long để hoàn tất hồ sơ công nhận giống NV1. Ngoài ra, tôi còn có 10 tổ hợp lai NV khác cũng rất triển vọng và 20 tổ hợp lai khác sắp thuần”, ông Hùng cho biết.

Thành chuyên gia

NÔNG DN BẢN LĨNH

Ông Huỳnh Quang Tín, Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long, điều phối dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng, người đồng hành cũng là phiên dịch cho “Hai lúa” Hùng đến Nicaragua, nhận xét: “Ông Hùng là một nông dân bản lĩnh. Tham gia báo cáo tại nước ngoài, ông rất tự tin. Khi được mời lai tạo trên cây lúa miến, ông đã thực hành rất nhuyễn và thu hút sự quan tâm của nông dân nước bạn. Kiến thức và cách làm của ông Hùng làm cho nông dân các nước càng yêu mến và thán phục nông dân Việt Nam hơn”.

Từ khi lai tạo thành công các giống lúa triển vọng, ông Trần Thanh Hùng trở thành người nổi tiếng. Ông từng được Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long mời xuất ngoại đến Nicaragua trình diễn lai tạo giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. “Mấy người bạn bên Philippines đi chung chuyến đến Nicaragua đã gửi cho tôi cả trăm tấm ảnh và tài liệu. Nhờ cái laptop này mà chuyện chép, lưu giữ thông tin, giao lưu học hỏi kiến thức trên mạng dễ dàng và an toàn lắm”, ông Hùng vừa nói vừa mở laptop cho tôi xem ảnh chuyến đi xuất ngoại của ông.

Nói về chuyến xuất ngoại làm “chuyên gia” của mình, ông Hùng cho biết sau 6 ngày báo cáo, thảo luận tại hội nghị, đoàn đại biểu vượt hàng trăm cây số về một vùng nông thôn nghèo để trình diễn lai tạo thực tế.

Theo ông Hùng, sản xuất nông nghiệp của Nicaragua không giống nước ta. Cánh đồng của họ nhỏ, dạng bậc thang, khí hậu nhiệt đới, thiếu nước cho cây trồng, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Họ cũng trồng lúa, hoa màu, nhưng cây lương thực chính là lúa miến (Sorghum). Song Nicaragua có nền nông nghiệp sạch, họ trồng lúa, miến và hoa màu đều bằng phân bón vi sinh, không dùng các loại phân bón hữu cơ, hóa chất.

Bảo Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.