Bênh từ thú cưng

24/08/2011 14:38 GMT+7

(TNTS) Hình ảnh thú cưng được nhiều người dắt đi trên phố và bồng ẵm đã rất quen thuộc tại các thành phố lớn, tuy nhiên các nguy cơ cho sức khỏe từ những vật nuôi này không phải ai cũng biết.

Giống như ở nước ngoài, những loại thú được nuôi phổ biến hiện nay ở VN là chó (Chihuahua, Phú Quốc, Nhật Bản…), mèo, chuột trắng… Tuy nhiên do những điều kiện khách quan như công tác thú y chưa chuyên nghiệp, điều kiện vệ sinh kém khiến vật nuôi trở thành nơi tiềm ẩn những mầm bệnh gây hại cho con người.

 
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng - phó khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM) cho biết, việc nuôi thú, gần gũi với thú có thể là nguyên nhân khiến người bị lây nhiễm bệnh. Đó là do người nuôi tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân thú; tiếp xúc với nước bọt của thú khi bị cắn, liếm, hôn... hoặc tiếp xúc với những vảy da khô, chết của chúng vương vãi trong nhà.

Theo thống kê, hiện có trên 150 bệnh mà các loài thú cưng có thể gây ra cho con người bắt nguồn từ virus, vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng... (BS Lê Thị Tuyết Phượng)

Trong đó các loại giun sán thường gặp có thể lây cho người từ vật nuôi là ấu trùng sán dải, sán dải. Trứng sán dải (từ heo, bò) theo thức ăn hoặc nước uống nấu chưa chín vào dạ dày người,  phát triển thành ấu trùng xuyên qua niêm mạc dạ dày vào mạch máu, mạch bạch huyết, cư trú ở các cơ quan trong cơ thể như não, cơ,  mắt, tim, gan với biểu hiện thường gặp là nhức đầu, buồn nôn, nôn,  co giật, liệt nửa người, rối loạn cảm giác,  mờ mắt, đau cơ, suy gan, suy thận, suy tim...

Tiếp theo là ấu trùng sán Echinococcus granulosus, khi vào cơ thể người sẽ tạo thành những nang sán, cư trú và phát triển trong các cơ quan như gan, phổi, não. Khi kích thước quá lớn có thể gây nguy hiểm như chèn ép các cơ quan, vỡ nang sán.

Toxocara (giun đũa chó mèo) thường sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Trứng của chúng theo phân ra ngoài, người có thể nhiễm phải loại trứng này khi vật nuôi phóng uế bừa bãi. Trong cơ thể người, trứng giun đũa của chó nở thành ấu trùng nhưng không phát triển được thành giun trưởng thành, ấu trùng di chuyển khắp nơi trong cơ thể và có thể đến các cơ quan như não, mắt, gan, phổi... gây bệnh ở các cơ quan này. Người bị nhiễm giun đũa chó phần lớn không có triệu chứng gì. Một số có thể thấy hiện tượng mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, đau bụng,  ngứa, nổi mề đay... Nếu giun khu trú ở mắt có thể gây giảm thị lực, mù; ở phổi gây viêm phổi, ở não gây viêm não, nhức đầu, co giật...

Một loại nữa cũng nguy hiểm không kém là giun xoắn. Chúng lây truyền sang người thông qua các sản phẩm thịt heo chưa được nấu chín. Giun đi vào máu người và đóng kén tại các cơ, gây đau cơ dữ dội.

Ngoài ra, lông thú cũng là nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh hô hấp. Nhiều người có thói quen cho thú ngủ chung giường hoặc bồng ẵm, hôn hít, tạo điều kiện cho lông thú tiếp xúc với hệ hô hấp. Việc tiếp xúc với lông thú thường xuyên sẽ gây phản ứng dị ứng cho con người, nếu nhẹ có thể chỉ là ngứa da, chảy nước mắt, ngứa mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, nặng hơn có thể bị lên cơn khó thở do hen phế quản hoặc suy hô hấp nguy hiểm tính mạng.

Ở nước ta, việc nuôi thú đã khá phổ biến. Do đó, theo bác sĩ Tuyết Phượng, để phòng bệnh, người nuôi cần có các biện pháp như rửa tay bằng xà phòng sau khi vuốt ve, tiếp xúc thân cận với thú; dọn dẹp phân, nước tiểu của thú... Hạn chế tối đa việc hít ngửi, ôm hôn thú nuôi. Đối với thú nuôi, phải được tắm rửa thường xuyên mỗi ngày, tẩy giun sán định kỳ mỗi 6 tháng; chích ngừa; kiểm tra sức khỏe khi có triệu chứng nghi ngờ; thường xuyên vệ sinh nhà cửa...

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.