Người quê ra phố

18/08/2011 10:05 GMT+7

Quê tôi là huyện miền núi Quỳ Châu tỉnh Nghệ An, nơi chỉ có những dải đất khô cằn, những cánh rừng bị "rút ruột", người dân quê vì thế đổ về các thành phố kiếm kế sinh nhai…

Ở đất nghèo này, nhiều bậc cha mẹ chưa gánh nổi đời họ nên con cái sớm phải tự gánh lấy đời mình. Anh em Lương Văn Cừu, Lương Văn Biên ở Châu Hội là những em như thế. Cừu sinh năm 1992, từng ra Hà Nội, sang Lào kiếm sống. Biên sinh 1994, 12 tuổi đã từng vào Nam. Vi Thị Liễu ở cùng làng thì bất hạnh hơn. Bố mất, mẹ nghiện rượu, Liễu bỏ học năm lớp 8, cùng cô em kế tên Thu xuống thành phố Vinh làm thuê, họ nuôi được hai em trai và giúp mẹ trang trải công nợ…

Sau Tết, các xe khách đi từ Quỳ Châu năm nào cũng chở đầy người vào Nam, phần nhiều là người ra đi lần đầu, mỗi làng thường có chục người trên mỗi chuyến xe như vậy. Ông Nguyên (ở Kẻ Lè, xã Châu Hội) có đến 5 con, con trai lớn nhất sinh năm 1985 tiếp theo là 4 con gái, bé nhất sinh 1994, người học cao nhất là đến lớp 10, tất cả đều đã “Nam tiến”.


Một nhóm người Quỳ Châu đang nhặt phế liệu ở Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh Lương Thủy

Hà Nội khó kiếm việc hơn nhưng chi phí đi lại rẻ hơn nên chỉ một xóm Kẻ Lè kể trên đã có tới hơn hai chục người, ở Nga Mi xã Châu Nga khoảng 30 người, các làng lân cận cũng xấp xỉ…

Tôi gặp Biên trong một xưởng in tại Trại Gà, H.Từ Liêm, Hà Nội. Xưởng có khoảng 10 nhân công tuổi từ 14 đến 24, trong đó có 3 nữ. Quỳ Châu còn có 3 người khác trên dưới 20 tuổi đang làm việc ở đây với mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Vi Văn Thiệp, 21 tuổi, cùng làng với Biên thì làm trong một xưởng nhựa ở xã Trung Văn cùng huyện Từ Liêm. Trong xưởng là những đống phế liệu cao ngất, máy nghiền quay ầm ầm, cái nồi nấu nhựa to tướng phả mùi khét lẹt. Công nhân ăn ở trong một căn phòng bẩn thỉu, không có gì ngoài tấm dát giường, đống chăn đen xỉn và cái quạt gắn trên tường.

So với bạn cùng trang lứa đi làm mà tôi đã gặp thì Vi Mạnh Linh có vẻ khá nhất. Em làm cho một nhà hàng cơm phở và được ông chủ tin tưởng vì nhanh nhẹn, chịu khó. Linh được giao cho xe máy để đi lại và quản lý nhân viên mới của nhà hàng. Ông chủ còn hứa hẹn sau này sẽ cho Linh quản lý một trong những nhà hàng của mình.

Lữ Anh Tuấn, một chàng trai Quỳ Châu khác cũng tìm được công việc mình yêu thích. Đó là nghề vẽ thiết kế trên các mẫu quần áo, vật dụng… tại một xưởng in, vẽ ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Tuấn nói rằng nếu có lực, sẽ ra ngoài mở một cơ sở riêng. Tôi nghe kể và thầm cầu chúc cho niềm mong ước của các em trở thành hiện thực.

Nhưng không phải ai từ nhà quê ra phố cũng may mắn như Linh, như Tuấn. Càng khó khăn hơn cho những em không đủ tuổi lao động hay những người bỏ nhà đi, không có giấy tờ cá nhân như các em Biên, Thiệp, khi đó xin được công việc gì cũng phải chấp nhận để có nơi ăn ở… Với các em, không một nơi nào làm lâu dài được, nên chuyện những cậu Biên bé choắt cứ ra Bắc vào Nam kiếm sống là chuyện bình thường.

Có cả những người ra phố rồi không còn trở về như em Túm, sinh năm 1994, con ông Vi Văn Trung ở bản Khoáng, xã Châu Bình, bị một người lạ đến dẫn đi, bảo ra thành phố giúp việc cho họ. Túm đi đã gần chục năm nay vẫn biền biệt tăm tích. Mọi người ở nhà đinh ninh rằng em đã bị bán sang Trung Quốc mất rồi…

Lại có người dạt khắp nơi nhưng cuối cùng cũng không thay đổi được số phận như Lô Thị T. sinh năm 1988, người Châu Hội. T. từng vào Nam làm công nhân may mặc, bán hàng đồng, ôsin rồi đi bán dạo đủ thứ. Cuối cùng, T. chuyển sang làm gái massage. Từ Sài Gòn, T. dạt ra Hà Nội, xuống Hải Phòng và bây giờ phải lầm lũi nuôi một đứa con ngoài giá thú nơi đất khách.


Thành và Thân, hai thanh niên Quỳ Châu trong một xưởng nhựa ở Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội

Hầu như những người bỏ quê ra thành phố kiếm sống đều là nữ và học hành dở dang, không có bằng cấp nên không thể có công việc ổn định. Họ làm thời vụ khoảng 3 - 4 năm rồi về nhà lấy chồng, sinh con đẻ cái, về với cuộc sống ruộng nương, thất nghiệp lại hoàn thất nghiệp. Cũng không ít vợ chồng cưới nhau xong lại dắt díu nhau đi tiếp, nếu có con thì giao phó lại cho ông bà. Chỉ có một số cô gái may mắn lấy được chồng có hộ khẩu thành phố như Giang (chồng ở Bình Dương), Liệu lấy chồng làm giám đốc ở Hà Nội, Dung người cùng làng lấy chồng Sài Gòn… Đó là điều không ít các cô gái quê mong ước.

Đi làm lâu ngày ở thành phố, môi trường sống phức tạp nên không ít cô cậu đã mang về quê những nếp xấu của thành thị. Các cô gái Thái ngày nào trở nên trắng trẻo xinh xắn hơn, ăn mặc mốt hơn, tóc tai màu mè, táo tợn kẹp ba, kẹp bốn đi xe máy trên đường quê. Những cậu con trai cũng học đòi phong cách dân chơi, thuốc lá phì phèo, tóc vuốt keo dựng đứng như Biên và Thiệp. Họ khiến tôi ngỡ ngàng hết sức khi gặp lại trong một ngày gần đây ở Châu Hội. Biên vẫn bé choắt như vậy, vẫn cái cười toe toét, nói luyến thoắng hồn nhiên như con trẻ nhưng trên cái đầu hình quả trám là những sợi tóc dài tóc ngắn, nhuộm nâu nhuộm vàng. Thiệp cũng chẳng khác gì, chúng ăn nói vẻ trải đời rất anh chị.

Những hành trình mưu sinh của các thanh thiếu niên (phần lớn là người dân tộc thiểu số) vừa thất học, vừa thất nghiệp ở huyện miền núi nghèo Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An quê tôi là một câu chuyện dài chưa có lời kết.

Lương Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.