Lũ về đồng bằng sông Cửu Long

12/08/2011 23:45 GMT+7

Năm nay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có lũ sớm đầu mùa (lũ tháng 7), nhưng cho đến thời điểm hiện nay, mực nước sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đang ở mức cao - dấu hiệu dự báo năm nay có khả năng lũ sẽ cao nhất trong vòng 9 năm qua, kể từ sau năm 2002.

Lũ từ mức báo động 2 trở lên

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ trả lời phỏng vấn của Thanh Niên chiều 12.8 cho biết, theo nhận định ban đầu của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm nay có khả năng ở mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ3, tức là khoảng 4,2 - 4,5m ở trạm Tân Châu (sông Tiền) và 3,9 - 4,2m tại trạm Châu Đốc (sông Hậu). Tuy nhiên, diễn biến lũ sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ yếu là lượng mưa ở vùng thượng nguồn. Hai cơn bão số 2 và số 3 vừa qua đã gây mưa nhiều ở khu vực trung và hạ lưu sông Mê Kông. Do vậy, mực nước sông Mê Kông từ vùng Trung Lào đến Campuchia đã lên nhanh. Ông Giám cho hay, mực nước tại Pakse (Lào), Kratie (Campuchia) và Phnom Penh (Campuchia) đang lên cao và cao hơn cùng kỳ năm 2000 (năm có lũ lớn ở ĐBSCL). Trong khi đó, cũng vào thời điểm hiện nay, mực nước từ Viên Chăn (Lào) trở lên thượng nguồn lại thấp hơn cùng kỳ năm 2000. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, những vùng từ Viên Chăn trở lên thượng nguồn không phải là vùng tâm mưa để có thể ảnh hưởng đến mực nước lũ của ĐBSCL, mà từ Pakse đến Kratie mới là những vùng cần quan tâm. Theo nhận định, lượng mưa của những vùng từ Pakse đến Kratie sẽ ảnh hưởng đến 70% khả năng gây lũ đầu nguồn sông Cửu Long. Tuy vậy, nếu như từ Viên Chăn trở lên thượng nguồn có mưa nhiều, cũng sẽ bổ sung lượng nước và sẽ làm tăng thêm mực nước lũ cho những vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL.

 

Vùng ĐBSCL, người dân sẽ rất phấn khởi khi nước từ đầu nguồn đổ về - Ảnh: Mai Vọng

Còn theo ông Nguyễn Minh Giám, nếu như sắp tới thời tiết có xấu hoặc có 1-2 cơn bão vào miền Trung nước ta, gây mưa nhiều ở Lào và Campuchia, thì khả năng mực nước sông Mê Kông sẽ tiếp tục lên cao. Hiện giờ mới tháng 8, đang giữa mùa mưa, bão nên khả năng mưa nhiều vẫn còn. Do vậy, từ nay đến mùa lũ chính vụ (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10), Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ sẽ liên tục có những dự báo bổ sung.

Nước đang về

Từ sau năm 2002 cho đến năm 2010, ở ĐBSCL chỉ có lũ ở mức từ trung bình cho đến thấp, thậm chí có năm không hề có lũ như năm 2010. Người dân ĐBSCL gọi mùa lũ là mùa nước nổi và nếu như năm nào lượng nước về vừa phải (khoảng báo động BĐ2 đến BĐ3) thì rất đẹp. Nước lũ về sẽ mang một lượng rất lớn phù sa, tôm cá về cho vùng đồng bằng, đồng thời góp phần vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt côn trùng, dịch bệnh, sẽ rất tốt cho mùa vụ sau, khi nước rút.

Theo số liệu từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước sông Mê Kông tại Viên Chăn (Lào) lúc 7 giờ sáng 11.8 là 7,86m, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) là 4m và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,3m. Trong khi đó, cũng vào sáng qua, mực nước tại Pakse (Lào) ở mức 12,98m, cao hơn TBNN khoảng 4,2m và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 5,6m. Còn ở Campuchia, mực nước tại Kratie sáng hôm qua là 21,65m, cao hơn TBNN khoảng 3,4m và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng hơn 6m. Những số liệu này là cơ sở để dự báo lũ còn tiếp tục lên ở đầu nguồn sông Cửu Long.

Hiện nay, mực nước đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu đã cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ là 0,2m và cao hơn so với năm ngoái khoảng 1,4 - 1,5m. Cường suất nước lên vùng đầu nguồn sông Cửu Long hiện nay khoảng 10cm/ngày. Với đà này, cùng với kỳ triều cường ở hạ lưu, dự báo đến ngày 20.8, lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ vượt BĐ 1 từ 0,2-0,3m. So với nhiều năm qua (tính từ năm 2003 đến nay), đến thời điểm này, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đã cao hơn nhiều năm qua (do từ 2003 đến nay chỉ có lũ thấp, lũ vừa, không có lũ cao). "Thời điểm này, nước từ đầu nguồn đổ về là rất tốt cho ĐBSCL, nếu về quá cao thì không tốt, nhưng nếu không có lũ thì càng "chết", như năm 2010 do không có lũ về, nên mùa khô mặn xâm nhập sâu vào đất liền" - ông Giám cho biết.

Cũng cần lưu ý sau đợt lũ chính vụ, vào những tháng cuối năm ở ĐBSCL sẽ còn ảnh hưởng của triều cường (vùng hạ lưu). Nếu triều cường trùng với gió mùa đông bắc về sẽ đẩy đỉnh triều lên cao, gây ngập lụt ở những vùng thấp.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.