Kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương và những khó khăn cần tháo gỡ

11/08/2011 09:35 GMT+7

Tân Châu là một thị xã biên giới, đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang. Trải qua hơn 250 năm hình thành và phát triển, vùng đất này luôn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa bằng đường sông giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là với thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia).

Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương là cửa khẩu đường sông duy nhất của Việt Nam giáp với nước bạn Campuchia. Từ lâu, việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp và thương nhân 2 nước tại cửa khẩu này diễn ra rất rộn rịp. Hiện nay, từ Tân Châu đến Phnom Penh chỉ mất hơn 2 giờ di chuyển bằng ô tô nên việc giao thương càng thuận lợi hơn.  Do vậy, trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương luôn chiếm một tỷ trọng cao so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh An Giang nói riêng và của 10 tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, nói chung. Cụ thể như năm 2009, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước vào Campuchia đạt khoảng 1,5 tỉ USD, trong đó tỉnh An Giang chiếm khoảng 1,1 tỉ USD, thì riêng  cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương chiếm gần 1 tỉ USD. Điều đó chứng tỏ tiềm năng thương mại nơi đây là rất lớn và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển vượt bậc nếu được sự quan tâm và đầu tư đúng mức.

 

Lãnh đạo An Giang và Campuchia tại cột mốc biên giới cửa khẩu Vĩnh Xương và cửa khẩu Takel - Campuchia. Ảnh: Công Hân

Từ những nhận định về thế mạnh này, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thị xã đã xác định kinh tế biên giới chính là một trong những mũi đột phá cực kỳ quan trọng đưa địa phương tiến nhanh, tiến vững chắc trên bước đường phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được khâu đột phá này thì còn nhiều rất vấn đề cần được sự quan tâm tháo gỡ. 

Theo nhận định của Đảng bộ thị xã và của lãnh đạo tỉnh An Giang, do hệ thống giao thông từ các nơi đến Tân Châu và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương chưa thông, khiến nơi đây trở thành ốc đảo của xứ cù lao, làm hạn chế tốc độ phát triển.  Thêm vào đó, đường ra biên giới hiện vẫn bị ách tắc tại sông Kênh Xáng, trong khi việc đầu tư xây dựng cầu Tân An (bắc qua sông Kênh Xáng) dù đã được xúc tiến từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Một yếu tố nữa là hệ thống bến bãi tập trung hàng hóa mua bán ngay tại biên giới chưa được đầu tư đúng mức. Các phương tiện tàu bè chỉ cặp vào làm thủ tục rồi tiếp tục đi, giá trị thực tế thu được cho địa phương hầu như không đáng kể. Mặt khác, hiện nay việc áp dụng một cơ chế mở cho khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương là chưa được cụ thể, gây khó khăn trong kêu gọi đầu tư phát triển.

Gần đây, một tin vui đến với người dân Tân Châu là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (số 638/QĐ-TTg ngày 28.4.2011) về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, danh mục xây dựng cầu Tân An được bố trí nguồn vốn 486 tỉ đồng. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, công trình cầu Tân An sẽ được thi công, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ trung tâm thị xã đến cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (và ngược lại) được thuận lợi hơn.

 

Nông sản được giao thương mua bán giữa Campuchia và Việt Nam tại cửa khẩu Vĩnh Xương - Ảnh: Công Hân

Theo lãnh đạo thị xã, muốn kinh tế biên mậu trở thành động lực phát triển của Tân Châu nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, thì việc đầu tư đồng bộ xây dựng hệ thống giao thông cả thủy lẫn bộ để nối  liền Tân Châu với trung tâm tỉnh và các địa phương lân cận là điều cần kíp nhất. Trước mắt, cần tiến hành xây dựng ngay cầu Tân An; triển khai nhanh các hạng mục, phân khu chức năng phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ cho khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương; đồng thời tỉnh và T.Ư nên dành  cho khu kinh tế này một cơ chế thông thoáng, dài hơi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Có như vậy mới đảm bảo cho kinh tế cửa khẩu Tân Châu phát triển đi lên.

Tân An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.