Dùng tàu sân bay giải quyết tranh chấp lãnh thổ?

11/08/2011 12:17 GMT+7

(TNO) Một trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong hôm nay 11.8 nói tàu sân bay đầu tiên của nước này nên được dùng để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, bất chấp cam kết của chính phủ rằng chiếc tàu không mang lại mối đe dọa với các nước láng giềng, theo AFP.

Bình luận được đưa ra một ngày sau khi chiếc tàu sân bay dài 300 mét của Trung Quốc thực hiện chuyến chạy thử đầu tiên.

Động thái này khiến chính phủ Mỹ phải lên tiếng đòi hỏi Trung Quốc giải thích tại sao nước này cần tàu sân bay giữa lúc có nhiều lo ngại về mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.


 Tàu sân bay của Trung Quốc được cải tạo tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trung Quốc vốn lặp đi lặp lại rằng chiếc tàu chủ yếu sẽ được sử dụng cho mục đích tập luyện, nghiên cứu và nó không làm thay đổi chính sách quốc phòng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong một bài bình luận được đăng tải trên trang jz.chinamil.com.cn, Quách Kiến Dược, một phóng viên kỳ cựu của tờ Giải phóng Quân báo, viết rằng tàu sân bay nên được sử dụng để giải quyết các tranh chấp. Trang jz.chinamil.com.cn là một trang con trên trang mạng của tờ Giải phóng Quân báo, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc.

“Tại sao chúng ta đóng nó nếu chúng ta không có can đảm và sẵn lòng sử dụng tàu sân bay để xử lý các tranh chấp lãnh thổ?”, Quách Kiến Dược viết.

“Lý do chúng ta đóng tàu sân bay là bảo vệ hiệu quả hơn quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc. Chúng ta sẽ tự tin và quả quyết hơn trong việc bảo vệ sự bất khả xâm phạm lãnh thổ sau khi chúng ta có tàu sân bay”, một đoạn khác trong bài báo của Quách Kiến Dược được trích.

Hôm 10.8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Victoria Nuland nói Washington “sẽ hoan nghênh mọi cách giải thích mà Trung Quốc muốn đưa ra về loại tàu này”.

“Đây là một phần trong mối lo ngại lớn hơn của chúng tôi rằng Trung Quốc không minh bạch như các quốc gia khác. Họ không minh bạch như Mỹ về việc trang bị quân sự và ngân sách quốc phòng”, bà Nuland nói.

Theo AFP, các nước khác trong quá khứ cũng từng bày tỏ những lo ngại tương tự trong bối cảnh Trung Quốc và các nước châu Á ngày càng dứt khoát hơn về những tuyên bố chủ quyền, đáng kể nhất là tại biển Hoa Đông và biển Đông.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.