Xung quanh việc xây dựng công trình thủy điện 6 và 6A: Chủ đầu tư nói gì?

09/08/2011 00:45 GMT+7

Trước những phản ứng của các nhà khoa học xung quanh việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đe dọa môi trường sinh thái trong khu vực cũng như Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, hôm qua 8.8, ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã có trao đổi với Báo Thanh Niên.

Theo các nhà khoa học, việc xây dựng thủy điện 6 và 6A đe dọa sinh thái VQG Cát Tiên - Kim Cương

Ông nói: “Hội thảo “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai” (Thanh Niên đã thông tin) tổ chức vừa rồi là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp nhận thêm những phản biện bổ ích, đặc biệt là trong quá trình thực hiện dự án công trình thủy điện 6 và 6 A do chúng tôi làm chủ đầu tư. Chúng tôi luôn cầu thị đối với những ý kiến quý giá này”.

 

Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - Ảnh: Trần Hiếu

Quan điểm của ông như thế nào khi một số ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý cho rằng việc xây dựng công trình sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG) nói riêng và hệ thống sông Đồng Nai nói chung?

Chúng tôi thừa nhận là có những ảnh hưởng nhất định đến khu vực cần phải bảo tồn này. Theo tìm hiểu, trên hệ thống sông Đồng Nai đã có nhiều công trình thủy điện đang xây dựng, 6 và 6A là một trong số đó. Vấn đề đặt ra là cần phải giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động của các công trình cũng như công trình của tập đoàn chúng tôi đến hệ sinh thái. Những ý kiến trên là cơ hội để chúng tôi hoàn thiện hơn các bước tiếp theo về thủ tục cũng như quá trình xây dựng, vận hành công trình sau này.

Nhiều ý kiến cho rằng công trình này phải đánh đổi khá nhiều trong tương quan lợi ích kinh tế - môi trường, đặc biệt là khu vực phải bảo vệ nghiêm ngặt ở VQG?

Công trình của chúng tôi sau khi hoàn thành sẽ cung cấp sản lượng điện bình quân mỗi năm gần 1 tỉ KWh, góp phần đáng kể trong việc giải tỏa “cơn khát” thiếu điện của quốc gia. Sông Đồng Nai ở khu vực chúng tôi xây dựng đập có độ dốc lớn nên diện tích bị ngập không lớn, cụ thể, diện tích rừng bị ngập trên dưới 370 ha, trong đó có gần 137 ha rừng thuộc VQG. Nhưng, diện tích rừng này, như một số nhà khoa học, nhà quản lý đã đến tận nơi khảo sát thì đa số đều thuộc rừng tre nứa hỗn giao lồ ô. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã thẩm định, kiểm kê hiện trạng rừng. Chúng tôi cũng đã quyết định đặt nhà máy ở phía bờ phải của sông để giảm tối thiểu ảnh hưởng đến VQG (nằm ngoài vùng VQG). Việc di dân, tái định cư hoàn toàn không có… Chúng tôi khẳng định ảnh hưởng đến hệ sinh thái là thấp, chấp nhận được trong tương quan giá trị kinh tế - tác động môi trường.

Chúng tôi cam kết sẽ trồng lại và trồng nhiều hơn diện tích rừng đã mất để giảm thiểu tác động đến hệ động thực vật ở khu vực này.

Trần Hiếu - Gia Khánh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.