Khó thu tác quyền âm nhạc từ quán cà phê, vũ trường

09/08/2011 23:00 GMT+7

Thu phí tác quyền từ dịch vụ sử dụng âm nhạc cho mục đích kinh doanh như karaoke, vũ trường, cà phê, nhà hàng… không dễ dàng dù luật đã quy định chặt chẽ.

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể số lượng đơn vị sử dụng âm nhạc để kinh doanh dịch vụ trong cả nước. Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), tổng số thu tác quyền trong năm 2010 đạt hơn 32,5 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Trong đó, tính riêng phía Nam thu ở lĩnh vực khách sạn, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, bar, phòng trà, vũ trường, các phòng karaoke là 7,74 tỉ đồng, chiếm 38,45% trên tổng số 20,1 tỉ đồng thu được trong cả năm. Số thu này còn khiêm tốn, bởi những loại hình dịch vụ tương tự nhỏ lẻ, đặc biệt tại vùng ven đô hay các tỉnh thì hầu như bỏ trống chuyện thu phí tác quyền.

Có thể thấy, dù hơn 5 năm trôi qua, từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua vào năm 2005, nhưng đơn vị bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại VN mà cụ thể là VCPMC đang gặp không ít khó khăn trong việc thu tác quyền từ các loại hình dịch vụ kể trên. Bởi hầu như VCPMC đang đơn phương độc mã trong vấn đề này.

Chủ tịch một phường thuộc quận 6, TP.HCM cho biết: đại diện Phòng VH-TT quận chỉ khảo sát địa điểm có nằm trong khu vực quy hoạch cho phép mở loại dịch vụ này hay không (cách trường học, khu dân cư theo quy định), sau đó lập hồ sơ trình Sở VH-TT-DL cấp phép kinh doanh, chưa nghe đến quy định đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ này phải trả phí tác quyền sử dụng âm nhạc. Thiết nghĩ, để việc thu tác quyền âm nhạc được công bằng, đầy đủ, rõ ràng và minh bạch thì từ quản lý cấp nhỏ nhất là phường xã tại địa phương đơn vị xin cấp phép mở loại hình kinh doanh như trên phải nắm rõ về Luật Sở hữu trí tuệ trước tiên. Từ đó, tất cả đơn vị kinh doanh sẽ phải đóng phí này theo luật định tạo sự công bằng hơn.

Hiện VCPMC căn cứ vào số lượng phòng để thu tác quyền dịch vụ karaoke, số ghế với nhà hàng, quán rượu, cà phê giải khát, số mét vuông cho siêu thị, vũ trường, cửa hàng, cửa hiệu, khu vui chơi giải trí… trong thời gian một năm. Đơn cử nhà hàng, quán cà phê sử dụng bản ghi âm ghi hình dưới 50 ghế thu 3,5 triệu đồng/năm. Vũ trường diện tích dưới 200m2 thu từ 6 đến 12 triệu đồng/năm (tùy thành phố), mỗi 10m2 tăng thu thêm từ 210.000 đến 420.000 đồng/năm. Phòng karaoke thu từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/phòng/năm, siêu thị có diện tích dưới 500m2 thu 2 triệu đồng/năm, từ 2.000 đến 4.000m2 thu 8 triệu đồng/năm…

Tuy nhiên cách thu này vẫn chưa khả thi vì cùng số phòng hay số lượng ghế nhưng các cơ sở kinh doanh đều có lượng doanh thu rất khác nhau. Do đó không thể cào bằng tiền thu tác quyền. Đó là chưa nói đến thực trạng hiện chỉ có những đơn vị kinh doanh lớn được “nhắc nhở” đóng tác quyền, còn lại chuyện thu này vẫn “xa vời” với những đơn vị nhỏ lẻ.

Để thu tác quyền âm nhạc với các loại hình sử dụng kinh doanh âm nhạc được trọn vẹn, công bằng, nghiêm minh thì không chỉ dựa vào VCPMC mà phải có hệ thống thực thi pháp luật từ địa phương đến cấp cao hơn.

Theo số liệu của VCPMC, riêng tại TP.HCM có hơn 85 đơn vị né tránh trả tác quyền dù nhiều lần tổ chức này đã gửi văn bản đề nghị như cà phê Điểm hẹn Sài Gòn (Q.10), nhà hàng - cà phê - bar Acoustic (Q.3), karaoke Sài Gòn By Night (Q.10), khách sạn Quê Hương (Q.1), Sofitel Plaza Saigon (Q.1), khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9), nhà hàng Phong Lan (Q.11), Đông Phương (Q.Tân Bình), siêu thị điện máy Thiên Hòa (Q.10), Idea (Q.3), điện máy Chợ Lớn (Q.5), siêu thị Vinatex (Q.Tân Bình), Zen Plaza (Q.1)...

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.