Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 8: Đi đến luận cứ chắc chắn

09/08/2011 22:09 GMT+7

Trên cơ sở các ghi chép và bản đồ cổ của VN, có những nhận xét sau:

>> Kỳ 7: Tư liệu phía Việt Nam

1. Ngay từ thời chúa Nguyễn, người VN đã có hiểu biết khá tường tận về sự hiện diện của các đảo này. Mô tả các đảo chi tiết hơn, chính xác hơn sự mô tả của phía TQ.

2. Các dấu hiệu của việc phát hiện và sự khẳng định chiếm hữu trên các đảo đã được ghi nhận với quyết định của các chúa Nguyễn cử đội thuyền tới đó hằng năm trong nhiều tháng.

Vấn đề đặt ra là các hoạt động mang tính nhà nước này đã diễn ra chính xác tại đâu? Đối với người VN đây là các hành động nhằm khẳng định danh nghĩa chiếm hữu trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại phía TQ lại cho rằng: quần đảo Hoàng Sa mà VN nói hoàn toàn không phải là quần đảo Tây Sa của TQ mà chỉ có thể là những đảo và cồn cát ở ven biển miền Trung VN” ([1]) với hai lập luận.

 
Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ "Hoàng Sa", "Vạn lý Trường Sa" thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam. (biengioilanhtho.gov.vn)

 

Hồng Đức bản đồ (1774) vẽ rõ địa thế xứ Đàng Trong cuối thế kỷ 18, từ Đồng Hới đến biên giới Cao Miên, do Đoàn Quận công Bùi Thế Đạt vẽ dâng lên Chúa Trịnh năm 1774 để phục vụ chiến dịch Nam tiến năm 1775. Trên bản đồ, Bãi Cát Vàng được vẽ ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi  - Ảnh: Tư liệu

Thứ nhất, Hồng Đức Bản Đồ ghi rằng từ bờ biển VN tới Hoàng Sa phải mất một ngày rưỡi; thế nhưng với kỹ thuật hàng hải lúc đó, “đi thuyền buồm nửa ngày hoặc một ngày rưỡi thì hoàn toàn không thể đến”. Thứ hai, Phủ biên tạp lục ghi Hoàng Sa gồm hơn một trăm ba mươi núi, trong khi Tây Sa “địa thế thấp, bằng phẳng” và chỉ có “ba mươi nhăm đảo, đá ngầm và bãi cát”; và cũng theo Phủ biên tạp lục “Bãi Cát Vàng ước chừng ba mươi dặm, trong khi chiều dài của đảo Vĩnh Hưng, đảo lớn nhất trong quần đảo Tây Sa của TQ cũng không tới 2 km, diện tích cũng chỉ có 1,85 km2”. ([2])

Phía VN đáp trả rằng trên tất cả các bản đồ cổ đều phân biệt rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các đảo ven bờ VN. Người TQ cố tình không tham khảo các sách sử chính thức của VN như Đại Nam nhất thống chí (1865 - 1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Việt sử cương giám khảo lược (1876) đều nói tới khoảng cách từ 3 đến 4 ngày đi biển.

Trong Đại Nam nhất thống chí (1882), có đoạn viết:

“Đảo Hoàng Sa ở phía đông Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn một trăm ba mươi đảo nhỏ, cách nhau khoảng một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm tục gọi là Vạn Lý Trường Sa”.

Bản đồ biển Đông do Nhà xuất bản Luân Đôn in năm 1791 - A new chart of the China Sea with its several entrances, printed for Robert Sayer, London năm 1791. Bản đồ này có điểm khác biệt là thể hiện quần đảo Paracels nằm trong hình cờ đuôi nheo ghi rõ according to the Draft of Cochinchina Pilot 1764 (vẽ theo dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764). Tài liệu này chứng tỏ trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và đã thừa nhận quần đảo này thuộc An Nam.

Lúc đầu, người VN khi phát hiện ra Hoàng Sa chỉ biết đó là một vùng có rất nhiều đảo, đá, bãi ngầm trải dài mấy ngàn dặm mà không phân biệt được đó là hai quần đảo riêng biệt. Họ gộp chung hai quần đảo dưới cùng một tên gọi Đại Trường Sa - Hoàng Sa - Vạn Lý Trường Sa. Sau này, dưới triều Nguyễn, để chính xác hơn, mỗi quần đảo có một tên gọi riêng: Paracels được giữ tên Hoàng Sa còn Spratlys là Vạn Lý Trường Sa, và sau gọi ngắn gọn là Trường Sa ([3]).

Trong tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) mỗi quần đảo đều có tên riêng: Vạn Lý Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, chúng vẫn còn được coi là một; trên bản đồ, cả hai quần đảo đều được khoanh lại trong một vòng tròn vẽ đứt đoạn. Về mặt quản lý hành chính, Hoàng Sa là đội kiêm quản đội Bắc Hải, có nhiệm vụ khai thác các đảo ở phía nam và trong khu vực Côn Đảo. Địa danh và khu vực hoạt động của đội Bắc Hải phù hợp với khu vực Trường Sa. Ngày nay, số các đảo, đá, bãi nổi của cả hai quần đảo hợp lại đều cho con số khoảng một trăm ba mươi tùy theo cách tính.

TS Nguyễn Hồng Thao

[1] Sách trắng Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1980, tr.11. Hàn Chấn Hoa, “Các đảo Paracels nói trong các sách phương Tây không phải là quần đảo Tây Sa của nước ta”, Quang Minh nhật báo, Bắc Kinh, ngày 5 tháng 4 năm 1980.

[2] Hàn Chấn Hoa. Sđd.

[5] Lãng Hồ, “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”, Tập đặc san Sử Địa, số 29, Sài Gòn, 1975, tr.73

>> Kỳ 9: Tư liệu khách quan thừa nhận chủ quyền Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.