Điểm chuẩn sát điểm sàn

07/08/2011 23:30 GMT+7

* Hôm nay Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm sàn * Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đưa ra điểm chuẩn dự kiến bậc CĐ thấp hơn điểm sàn năm 2010 Theo kế hoạch, hôm nay 8.8, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm sàn xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2011. Trường thuộc tốp đầu thì không đáng ngại nhưng trường ngoài công lập (NCL) hay trường có điểm tuyển sinh không cao lại rất chờ đợi vào điểm sàn.


Thí sinh mong chờ vào điểm sàn chính thức của Bộ GD-ĐT công bố hôm nay để biết chắc chắn sẽ trúng tuyển vào trường nào - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lo ngại điểm sàn

Ngay khi có kết quả thi, các trường đã lên phương án xét tuyển. Trên các phương tiện truyền thông, những ngày qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vẫn luôn khẳng định điểm sàn năm nay không thấp hơn năm trước.

Có nhiều trường ĐH công lập như ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức, ĐH Hải Phòng, ĐH Hùng Vương (Phú Thọ)… dự kiến lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (khối A: 13 điểm). Tuy nhiên, với mức điểm thấp nhất này một số trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu và dự kiến vẫn tuyển nguyện vọng 2 (NV). Nhiều trường ĐH khác ở tốp giữa như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Hàng hải (Hải Phòng)… cũng dự kiến lấy mức điểm chuẩn rất thấp (14 -15 điểm). 

Không thể vì chỉ tiêu tuyển sinh, vì nhu cầu có thêm người học của các trường NCL mà không quan tâm đến chất lượng đầu vào

Giáo sư Đào Trọng Thi
Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên -  Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội

Dù lên phương án nhưng hầu hết các trường phía Bắc tỏ ra khá thận trọng, không công bố điểm chuẩn dự kiến khi chưa có điểm sàn chính thức của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, nhiều trường phía Nam đã mạnh dạn công bố điểm chuẩn dự kiến cụ thể từng ngành ở NV1 và cả NV2 dù điểm chuẩn thậm chí còn thấp hơn cả điểm sàn của Bộ GD-ĐT năm 2010.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đưa ra khung điểm chuẩn dự kiến một số ngành ở mức khá thấp. Chẳng hạn, điểm chuẩn dự kiến bậc CĐ có ngành thấp hơn điểm sàn năm trước. Cụ thể ngành công nghệ hóa (khối B), công nghệ thực phẩm (khối B), công nghệ môi trường (khối B), công nghệ sinh học (khối B) điểm chuẩn chỉ ở mức từ 10 - 10,5 điểm (trong khi điểm sàn CĐ năm 2010 là 11 điểm). Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng, cho biết: “Đây chỉ là mức điểm chuẩn dự kiến chứ chưa phải điểm chuẩn chính thức. Trong trường hợp nếu Bộ đưa ra mức điểm sàn bằng hoặc thấp hơn mức điểm chuẩn dự kiến của trường thì phương án điểm chuẩn chính thức sẽ không thay đổi. Nếu mức điểm sàn của Bộ cao hơn mức dự kiến của trường thì trường sẽ điều chỉnh lại cho đúng với quy định về điểm sàn của Bộ”. Vấn đề đặt ra là nếu chưa chắc điểm chuẩn của trường bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ thì trường công bố điểm chuẩn dự kiến vào thời điểm trước khi có điểm sàn chính thức của Bộ làm gì? Nếu có điều chỉnh điểm chuẩn sau này thì trường lại gây hoang mang không đáng có cho thí sinh.

Cũng công bố mức điểm chuẩn khá sát với điểm sàn năm ngoái là trường ĐH Tôn Đức Thắng. Một số ngành của trường điểm chuẩn dự kiến ở mức 13, 14 điểm như: toán ứng dụng, kỹ thuật điện - điện tử, bảo hộ lao động, cấp thoát nước, quan hệ lao động…

“3 chung” nên điểm sàn phải chung

Từ thực tế này, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét bỏ quy định điểm sàn chung cho cả nước mà nên để các trường tự định điểm sàn phù hợp với vùng, miền, đặc thù, thương hiệu của từng trường. 

Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường công lập tại TP.HCM lại cho rằng: “Không nên có mức điểm sàn riêng cho một số trường NCL, bởi lẽ thực tế các trường này vẫn còn nguồn tuyển khác thông qua hình thức xét tuyển NV2, NV3. Đặc biệt, ở một kỳ thi “3 chung” thì càng không cần có điểm sàn riêng”. Quan điểm này cũng đã được giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa -Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nói rất rõ trong bài phỏng vấn đăng trên Báo Thanh Niên cuối tuần qua. Ông nhấn mạnh: “Khi Bộ vẫn duy trì hình thức “3 chung” thì không thể đặt vấn đề bỏ quy định về điểm sàn được. Việc tốt nhất của hình thức thi “3 chung” là đã quy định được một mức điểm sàn, nghĩa là đưa ra một cái khung nhất định về chất lượng tránh trường hợp mỗi môn 1-2 điểm cũng vào được ĐH. Không thể vì chỉ tiêu tuyển sinh, vì nhu cầu có thêm người học của các trường NCL mà không quan tâm đến chất lượng đầu vào”.

Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra điểm sàn chính thức. Giữa chất lượng và chỉ tiêu, Bộ sẽ ưu tiên điều gì? Dư luận sẽ không thể chấp nhận một mức điểm sàn quá thấp để ngay cả thí sinh không đủ điều kiện cũng có thể vào ĐH, hậu quả sẽ là một lượng nhân lực kém chất lượng bước vào thị trường lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải có các phương án để giải bài toán nguồn tuyển cho các trường NCL trong khi ngay cả nhiều trường công lập cũng lấy điểm chuẩn thấp bằng điểm sàn.

Vũ Thơ - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.