Tuyển sinh “3 chung” đã hoàn thành sứ mạng

06/08/2011 02:38 GMT+7

Từ việc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT bỏ hoặc hạ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội về điểm sàn. Ông nói:

Tôi là người ủng hộ quan điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc cần chấm dứt cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ như vậy để chuyển sang một hình thức khác phù hợp hơn. Tốt nhất là nên giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh để họ tuyển được sinh viên theo đúng yêu cầu của họ. Cái được của việc làm này sẽ nhiều hơn mất.

 

GS Đào Trọng Thi

Tuy nhiên, khi Bộ vẫn duy trì hình thức “3 chung” thì không thể đặt vấn đề bỏ quy định về điểm sàn được. Việc tốt nhất của hình thức thi “3 chung” là đã quy định được một mức điểm sàn, nghĩa là đưa ra một cái khung nhất định về chất lượng tránh trường hợp mỗi môn 1-2 điểm cũng vào được ĐH.

Chính vì vậy, tôi cho rằng không thể vì chỉ tiêu tuyển sinh, vì nhu cầu có thêm người học của các trường NCL mà không quan tâm đến chất lượng đầu vào.

Quản lý chặt cả đầu vào, đầu ra

Thưa ông, Quốc hội vẫn ra nghị quyết về chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu cụ thể về quy mô sinh viên/vạn dân. Vậy có mâu thuẫn giữa vấn đề chất lượng và quy mô trong việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu hay không?

Khi đưa ra chỉ tiêu về quy mô sinh viên/vạn dân thì Quốc hội và Chính phủ đã tính toán trên cơ sở hiện nay nước ta có đủ nguồn lực để đào tạo các em đảm bảo chất lượng. Chứ không phải đưa số lượng một cách tùy tiện để tính được là có bao nhiêu sinh viên/vạn dân.

 

Thí sinh dự thi vào một trường CĐ NCL trong kỳ tuyển sinh năm 2011 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xu hướng của các nước trong giáo dục ĐH là quản lý chặt đầu ra chứ không phải siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra như cách làm ở nước ta. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đó là xu hướng đúng, nhưng trong điều kiện của chúng ta hiện nay thì tôi xin nói là vẫn phải quản lý cả đầu vào chứ không phải chỉ đầu ra. Lý do là người dân của chúng ta không phải ai cũng nhận thức được sâu sắc về vấn đề phải đạt được chất lượng học tập ở một mức độ nhất định thì mới nên tiếp tục thi và vào học ĐH. Nếu lúc này chúng ta buông đầu vào thì rất có thể sẽ nhiều người ngộ nhận rằng cứ vào ĐH là tốt, đổ xô vào ĐH. Chất lượng đầu vào như vậy mà lại thắt chặt đầu ra thì sẽ gây ra một sự lãng phí lớn của chính người dân và cho cả xã hội, nhà nước.

"Khi Bộ vẫn duy trì hình thức “3 chung” thì không thể đặt vấn đề bỏ quy định về điểm sàn được. Việc tốt nhất của hình thức thi “3 chung” là đã quy định được một mức điểm sàn"

Vì thế, tôi đồng ý là tương lai chúng ta phải chặn đầu ra tốt hơn nữa nhưng thời điểm này thì vẫn phải quản lý đầu vào chặt chẽ.

Là một ủy ban của Quốc hội về vấn đề GD-ĐT, sắp tới ông sẽ chú trọng giám sát những vấn đề gì liên quan đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, đặc biệt là đối với các trường NCL?

Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung giám sát về các vấn đề nhằm chuẩn bị hoàn thiện Luật Giáo dục (GD) ĐH để trình QH trong kỳ họp tới, trong đó có nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng, quy mô đào tạo. Luật GD ĐH sẽ làm rõ hơn nội hàm của vấn đề “phi lợi nhuận”. Trường ĐH NCL sẽ chia thành hai dạng, một là phi lợi nhuận hoàn toàn, không chia lợi nhuận; loại trường thứ hai là chấp nhận để thu lợi nhuận nhưng hợp lý, không thể như các doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Bên cạnh đó có những chính sách, quy định phù hợp để khuyến khích các trường hoạt động theo phương thức phi lợi nhuận; có cơ sở để quản lý việc các trường thu lợi nhuận một cách hợp lý, không đẩy học phí lên quá cao. Làm được như vậy sẽ có sự cạnh tranh giữa các trường, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút được học sinh giỏi.

Trường ngoài công lập sợ không có nguồn tuyển

Sáng qua (5.8), Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ NCL đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các trường thành viên về bản kiến nghị đề xuất xem xét điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 gửi Bộ GD-ĐT. Theo ông Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), điểm sàn cao hay thấp là phụ thuộc vào đề dễ hay khó. Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây, cho hay: “Mấy năm gần đây, các trường công lập đã lấy đến điểm sàn, do đó các trường NCL không còn nguồn tuyển. Trong hoàn cảnh này các trường NCL sẽ tan hết”. Còn ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông, khẳng định: “Bộ phải có trách nhiệm ra đề thi để tuyển đủ chỉ tiêu. Đồng thời, điểm sàn phải hợp lý để các trường đủ chỉ tiêu”.

Ng.H

Không thể có 2 mức điểm sàn

Trước sự kiện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL lên tiếng đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi mức điểm sàn, trả lời trên báo điện tử Dân Trí chiều 5.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Điều đó khó chấp nhận được.

Theo ông, Bộ sẽ tính toán để thí sinh (TS) trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, đảm bảo đủ nguồn tuyển. Bên cạnh đó, Bộ đã cho phép TS rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển NV2, NV3. Như vậy, với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều TS. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều TS bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học.

Điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước và Bộ không thể chiều theo các trường. Muốn học ĐH người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định nên cần có sự sàng lọc.

Những TS điểm không cao mà muốn vào học ĐH thì phải chấp nhận ra các trường ĐH xa trung tâm đến các vùng miền để học phù hợp với mức điểm của mình.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.