Rối loạn sau sinh

06/08/2011 16:05 GMT+7

(TNTS) Chưa hết vui mừng vì "mẹ tròn, con vuông" sau trận vượt cạn đau đớn, người mẹ đột nhiên quay sang khó chịu với đứa trẻ của mình. Vì đâu nên nỗi?

Bệnh do suy nghĩ

Kết hôn đã 5 năm vợ chồng Quỳnh mới có tin vui. Tuy nhiên, sau khi sinh bé Su được một tháng, đột nhiên Quỳnh thay đổi tính nết. Nhiều khi đang nhìn con trìu mến, Quỳnh bỗng trở nên lãnh đạm, rồi ngồi thụp xuống góc phòng khóc thút thít. Có bữa, đi làm về, anh Tùng thấy bé Su khóc thét lên vì bị mẹ đánh. Anh vội ẵm con, thủ thỉ: "Để bố ru con ngủ, hai bố con mình không làm phiền mẹ nữa nhé. Mẹ cần nghỉ ngơi". Vì đang ở cữ cần kiêng quạt nên Quỳnh bắt cả nhà phải chịu nóng theo, nếu trong nhà có ai lén bật quạt là Quỳnh gào lên, có lúc quá khích cô còn cào cấu mọi thứ. Liên tục vài tuần như vậy, nhưng tình trạng của Quỳnh vẫn không giảm, Tùng buộc phải cách ly hai mẹ con và đưa vợ đến bác sĩ. 

 
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Khám thai Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), những triệu chứng trên được gọi là bệnh trầm cảm sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh này thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Đây là bệnh có thể nhẹ hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, và điều trị được nhưng cần phải kiên trì.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm, bắt nguồn từ việc thay đổi nội tiết vì sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen gây ra cảm giác mệt mỏi. Sự mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân hoặc khó khăn trong việc chăm sóc bé cũng là những nguyên nhân gây bệnh. Nguy cơ cao thường gặp ở những phụ nữ sinh con so; đã bị căng thẳng trong thời gian trước mang thai như sức khỏe không tốt; hiếm muộn; có các biến chứng thai kỳ như thai lưu, sẩy thai... 

Cần sự hỗ trợ từ người thân

Bác sĩ Hà nhấn mạnh, gia đình cần nhận biết các biểu hiện của sản phụ để đưa đến bác sĩ kịp thời như suy nhược cơ thể, lo lắng, hoảng hốt, căng thẳng, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung (người mẹ thường không tập trung xem sách, ti vi hoặc trò chuyện bình thường, thậm chí giảm trí nhớ và không sắp xếp được suy nghĩ, họ có thể ngồi đó không làm gì và cảm thấy rất tồi tệ), rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú tình dục; có khi nghĩ đến tự tử...

Thông thường, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm, sau khi uống bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như khô miệng và buồn ngủ nhưng không nên bỏ cuộc. Không nên rút ngắn quá trình vì bệnh trầm cảm cần có thời gian điều trị dài thì mới hồi phục hoàn toàn. Nếu dùng thuốc mà cơ thể thấy khó chịu hơn khi chưa dùng hoặc sau vài tuần không thấy hiệu quả thì thân nhân nên báo cho bác sĩ để thay đổi thuốc khác mạnh hơn hoặc tăng liều. Bên cạnh đó, người bệnh cần được duy trì chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường thể lực và dùng thêm vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp.

Đặc biệt, đối với bệnh trầm cảm ở sản phụ, vai trò của người thân cực kỳ quan trọng. Không nên nghĩ sản phụ là một bệnh nhân bởi họ rất sợ sự cô độc, vì vậy hãy luôn ở bên họ. Tuy nhiên, khi người mẹ không khỏe thì hãy để họ nghỉ ngơi và không được quấy rầy, khi bệnh nhân khỏe thì hãy để họ làm bất cứ việc gì mà họ thích.

Kiến Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.