Mỹ, Pháp và Đức bàn chuyện trừng phạt Syria

06/08/2011 14:58 GMT+7

(TNO) Lãnh đạo của Mỹ, Pháp và Đức hôm 5.8 đã lên án việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng bạo lực bừa bãi chống lại người biểu tình, đồng thời bàn bạc các biện pháp trừng phạt chính phủ nước này, theo AFP.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thảo luận các biện pháp trừng phạt với Damacus. Tuy nhiên, thông báo không đề cập chi tiết về các biện pháp sẽ được áp dụng.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc giục các công dân nước này rời khỏi Syria ngay lập tức. Thông báo được đưa ra sau khi hàng ngàn người Syria đổ ra đường biểu tình sau buổi cầu nguyện hôm thứ sáu. Hãng BBC dẫn lời các nhà hoạt động nhân quyền cho biết lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 24 người trong ngày thứ sáu đầu tiên của tháng chay Ramadan.


Người biểu tình đổ ra đường ở Syria hôm 5.8 - Ảnh: AFP

Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Syria đã phát đi các hình ảnh từ Hama, trung tâm của cuộc nổi dậy ở Syria và khẳng định thành phố này đã được kiểm soát. Đài truyền hình nhà nước Syria cũng tuyên bố cuộc nổi dậy tại đây đã được dập tắt.

Vào đầu tuần này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một thông báo lên án hành động trấn áp người biểu tình của ông Assad.

Nga, một đồng minh truyền thống của Syria cũng bắt đầu lên tiếng chỉ trích qua phát biểu của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rằng ông Assad sẽ “đối mặt với một số phận đáng buồn” trừ khi ông khẩn cấp thực hiện cải cách và hòa giải với phe chống đối.

Cũng trong hôm 5.8, Đặc sứ Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Dmitry Rogozin đã tố cáo liên minh quân sự này đang lên kế hoạch thực hiện chiến dịch quân sự nhằm lật đổ ông Assad với mục tiêu dài hạn là chuẩn bị bàn đạp cho một cuộc tấn công Iran, theo hãng RIA Novosti.

Với bài học rút ra từ trường hợp của Libya, Nga sẽ “tiếp tục chống đối một giải pháp vũ lực với tình hình ở Syria”, theo ông Rogozin.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.