Khép lại tuần đổ dốc của chứng khoán thế giới

06/08/2011 08:25 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (vào rạng sáng nay, 6.8, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận sắc xanh le lói trên sàn chứng khoán Phố Wall (Mỹ), trong khi đó, khu vực châu Á và châu u tiếp tục giảm mạnh.

Đóng cửa sớm nhất (vào chiều 5.8, giờ VN), thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận phiên giảm mạnh khi nhiều chỉ số lớn đều mất trên 3% tổng số điểm.

Chỉ số MSCI Asia Pacific của khu vực này giảm 3,6% và chốt phiên cuối tuần ở mức 126,12 điểm. Trong tổng số 1.018 mã cổ phiếu niêm yết thuộc chỉ số này, phiên cuối tuần chỉ ghi nhận 34 mã tăng giá, con số thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 10.2008.

Tuần này, chỉ số MSCI Asia Pacific đã để mất tổng cộng tới 7,8%. Nếu so sánh với mức đỉnh của năm nay ghi nhận được hồi tháng 5 vừa qua thì hiện chỉ số này đã giảm tới hơn 10%. Chính vì thế, đây được ghi nhận là tuần giảm điểm mạnh nhất của MSCI Asia Pacific kể từ tháng 10.2008.

 
Chứng khoán thế giới ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất trong hơn 2 năm qua - Ảnh: Bloomberg

Nguyên nhân khiến chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên này được cho là do lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều công ty châu Á - rất có thể sẽ rơi trở lại thời suy thoái khi liên tiếp các biện pháp kích cầu vẫn chưa phát huy tác dụng thực sự.

Cùng với đó, sức càn quét của cơn bão nợ công tại châu u ngày càng mạnh hơn và có thể sẽ tràn tới các nền kinh tế lớn trong khu vực. Các thông tin này đã ảnh hưởng mạnh tới tâm lý giới đầu tư. Một bộ phận các nhà đầu tư bi quan trước tình hình kinh tế có thể tìm cách xả hàng và chuyển hướng đầu tư nhằm bảo toàn tài sản.

Tổng kết phiên trên các thị trường lớn trong khu vực: chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục lùi dần về mốc 9.000 điểm khi để mất tới 359,3 điểm trong phiên cuối tuần, tương đương giảm 3,72% so với phiên 4.8, chốt phiên ở mức 9.299,88 điểm.

HSI của Hồng Kông giảm gần 1.000 điểm, tương đương giảm 4,29% so với phiên trước đó, xuống chỉ còn 20.946,1 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 11.2009.

Trên các thị trường khác: Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 2,15% và 2,12%; KOSPI của Hàn Quốc giảm mạnh tới 3,7%; S&P/ASX 200 của Úc giảm mạnh 4% sau khi Ngân hàng dự trữ trung ương cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay xuống còn 2% (so với mức 3,25% dự báo trước đó). Chỉ số Sensitive (Ấn Độ) giảm 2,2%; Straits Times của Singapore giảm mạnh 3,61%.

Cổ phiếu của các công ty có hàng xuất khẩu lớn đi các thị trường châu u và Mỹ đều giảm mạnh trong phiên này. Cổ phiếu của Sony giảm 5%; cổ phiếu của Toyota Motor giảm 3,2%; cổ phiếu của Samsung Electronics giảm 3,9%; cổ phiếu của Li & Fung, nhà cung cấp đồ chơi và quần áo lớn nhất cho chuỗi bán lẻ Wal-Mart Stores, giảm mạnh 4%.

* Tại châu u, phiên cuối tuần tiếp tục giảm mạnh đã đẩy chứng khoán khu vực vào tuần giảm điểm sâu nhất kể từ tháng 11.2008 cũng do những lo ngại về kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp và khó lòng ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng trong khu vực.

Chỉ số STXE 600 giảm 1,76% trong phiên cuối tuần, chốt ở mức 238,88 điểm, mức chốt phiên thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Tính trong cả tuần này, STXE 600 đã mất tổng cộng 9,9% tổng số điểm. Còn so với mức cao điểm của năm nay ghi nhận trong phiên 17.2 vừa qua, chỉ số này đã giảm mạnh tới 18%.

Tổng kết trên các thị trường chứng khoán cấp quốc gia: FTSE 100 của Anh giảm 2,71%, xuống còn 5.246,99 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,26%, xuống còn 3.278,56 điểm; DAX của Đức giảm 2,78%, xuống còn 6.236,16 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm nhẹ 0,18%; FTSE MIB của Ý giảm 0,7%; PSSI General của Bồ Đào Nha giảm 1,25%; ISEQ của Ireland giảm 1,53%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 2,25%.

Tổng kết tuần này, toàn bộ 18 thị trường chứng khoán trong khu vực đều mất điểm, trong đó tổn hại nặng nhất phải kể tới: CAC 40 giảm 11%; FTSE giảm 9,8%; DAX giảm 13%.

* Tại Phố Wall (Mỹ), nhờ thông tin tốt lành từ thị trường lao động mà các chỉ số chứng khoán tại đây tạm thời chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, thậm chí Dow Jones còn cho thấy sắc xanh. Chỉ số thị trường S&P 500 giảm nhẹ 0,1% trong phiên này, chốt phiên ở mức 1.199,38 điểm. Dow Jones Industrial tăng nhẹ 0,5%, lên thành 11.444,61 điểm.

Tuy nhiên, S&P 500 vẫn buộc phải ghi nhận tuần giảm điểm kỷ lục kể từ tháng 11.2008 tới nay, tuần này, S&P 500 giảm tổng cộng 7,2%. Chỉ số S&P 500 Financial giảm 1,7% trong phiên cuối tuần. Cổ phiếu của Bank of America giảm 7,5%; cổ phiếu của Citigroup giảm 3,9%.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 5.8 cho thấy trong tháng 7 vừa qua, các ông chủ tại Mỹ đã tạo thêm 117.000 việc làm mới cho người lao động, một con số ấn tượng so với mức tăng 46.000 việc làm hồi tháng 6.

Số liệu công bố của Bộ Lao động cũng vượt xa con số dự đoán 85.000 việc làm mới mà các chuyên gia đưa ra trước đó (kết quả khảo sát của Bloomberg). Tiền công theo giờ trung bình tăng 0,4%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 9,1%.

Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số MSCI Asia Pacific đã giảm 5%, trong khi đó S&P 500 cũng giảm tới 4,6%; mức giảm mạnh nhất thuộc về STXE 600 với 11,8%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.