Thảo luận tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIII: Dùng quỹ bình ổn giá chưa “trúng”

05/08/2011 01:04 GMT+7

Nhiều ĐBQH khi thảo luận tổ sáng 4.8 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp cuối năm đã đề xuất Chính phủ (CP) cần giao các bộ, ngành cụ thể hóa từng giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11, để đảm bảo được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

 

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường tại phiên thảo luận tổ sáng 4.8 - Ảnh: Ngọc Thắng 

Quỹ bình ổn giá chỉ giải quyết phần ngọn

Đánh giá cao “quyết tâm chính trị” của CP qua nội dung Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, song ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, vẫn hoài nghi về tính khả thi của các giải pháp này, bởi theo bà Tâm, chưa có các yếu tố cơ sở để các giải pháp đó đi vào cuộc sống.

Dẫn ví dụ riêng trong mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, bà Tâm nêu thực tế đời sống đại bộ phận người lao động tại TP.HCM hiện đang rất khó khăn, rất nhiều công nhân khoanh lại tiền ăn cho cả gia đình 3 người gồm hai vợ chồng và một đứa con nhỏ chỉ tối đa 30.000 đồng/ngày, vì tiền lương ít ỏi. “Với mức tiền đó thì công nhân tái tạo sức lao động thế nào. Bây giờ đưa giải pháp an sinh xã hội chỉ chung chung như vậy thì tôi không tin sẽ giải quyết được khó khăn cho người lao động”, bà Tâm quả quyết.

Nếu tiếp tục tình hình như hiện nay thì con số 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo chắc chắn sẽ không dừng ở đó mà còn tăng nữa

 

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội)

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu: "Chỉ cần nhìn vào hai số liệu là CPI và GDP 6 tháng đầu năm qua cũng đã nói lên đầy đủ về đời sống của người dân khó khăn thế nào. Nếu tiếp tục tình hình như hiện nay thì con số 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo chắc chắn sẽ không dừng ở đó mà còn tăng nữa".

Liên quan đến vấn đề quỹ bình ổn giá mà CP áp dụng trong thời gian vừa qua, nhiều ĐB đều bày tỏ sự lo lắng về hiệu quả sử dụng và nỗ lực của CP nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân liệu người tiêu dùng có được hưởng hay không.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, quỹ bình ổn giá mới giải quyết được phần ngọn và xu hướng tăng giá là không thể cưỡng lại được. Giá nông sản, lương thực, thực phẩm có bình ổn được hay không phụ thuộc vào sản lượng sản xuất, do đó gốc rễ của vấn đề là phải đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn và vốn cho người nông dân.

Theo ĐB Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN VN, phải thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 11 và cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí đề ra, lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc bộ, ngành nào thì trong 6 tháng tới, các bộ, ngành đó phải đưa ra biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện với các cam kết, lộ trình cụ thể.  “Thậm chí nếu cần, phải thành lập hội đồng duyệt các chương trình chi tiết thực hiện theo các nội dung Nghị quyết 11 của CP thì mới thực hiện được”, ĐB Lộc nhấn mạnh.

Cần thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng

Phải thanh, kiểm tra hệ thống ngân hàng

“Phải thanh tra, kiểm tra hệ thống NH để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới sự khốn khổ, khó khăn cho nền kinh tế sắp tới và ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về sự điều hành của chúng ta. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý những NH vi phạm về lãi suất”.

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM)

Một trong những tồn tại dẫn tới khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội thời gian qua và đặt ra thách thức cho quá trình thực thi nhiệm vụ này thời gian tới là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại trong cuộc chạy đua lãi suất, khiến các DN vốn đã khó khăn trong tiếp cận vốn vì chính sách thắt chặt tiền tệ, lại phải gánh thêm áp lực lãi suất cho vay quá cao, dẫn tới đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người lao động.  ĐB Trương Đình Quyền (Hà Nội) nhận định: Việc điều hành nền kinh tế vĩ mô vừa qua có vấn đề. Các tổ chức tín dụng mọc lên như nấm đã dẫn đến rất nhiều vấn đề bất cập. Mặc dù đã có một mức trần lãi suất nhưng hiện tượng “lãi suất ngầm”, “lãi suất đi đêm” vẫn rất phổ biến. Điều đó chứng tỏ vai trò của NH về quản lý nhà nước còn rất yếu.

Cùng chung nhận định này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đòi hỏi Thống đốc NHNN phải xử lý nghiêm khắc các NH vi phạm, bởi theo ông Ngân, vừa qua NHNN đưa ra trần lãi suất huy động 14% nhưng hệ thống NH đã vi phạm một cách nghiêm trọng, trong khi đó NHNN không có một biện pháp nào.

“Trong khi ngành NH là ngành cần có sự tín nhiệm của nhân dân, là ngành cần phải tôn trọng pháp luật cao nhất vì anh đang giữ tiền của nhân dân thì lại vi phạm pháp luật. Thống đốc NHNN mới cần phải tiến hành thanh tra hoặc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này, kéo lãi suất huy động về được 14%, lãi suất cho vay giữ 17 - 18% là hợp lý”, ông Ngân kiến nghị.

Hiến pháp sửa đổi phải bảo đảm quyền phúc quyết của dân

Thảo luận tại hội trường chiều 4.8, về việc thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, nhiều ĐBQH cho rằng một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó, phải làm rõ quyền phúc quyết của người dân.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền, Hiến pháp năm 1992 chủ yếu đổi mới toàn diện về chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, còn về bộ máy nhà nước thì cơ bản vẫn giữ theo những mô hình của những Hiến pháp trước đó. “Cho nên, trong định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp tới, tôi cho rằng định hướng cơ bản nhất sửa đổi về bộ máy nhà nước, chúng ta phải giải mã được nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất và thuộc về nhân dân, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp”, ông Quyền nói.

 Theo Tờ trình của Ủy ban TVQH, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được trình QH lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân khoảng 2 tháng, từ tháng 3 - 4.2013. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh dự thảo và trình QH xem xét, cho ý kiến vào giữa năm 2013.

QH sẽ thông qua Nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại phiên bế mạc kỳ họp vào chiều 6.8.

Bảo Cầm

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.