Bình tĩnh với... rác!

05/08/2011 00:09 GMT+7

Những loại chất thải như nhựa, túi nylon, mảnh vỡ thủy tinh, giấy, kim loại... là nguyên liệu tái chế vừa kinh tế lại vừa bảo vệ môi trường.

Nguyên liệu giấy phế liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất giấy in báo tại Công ty CP Tập đoàn Tân Mai - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nguyên liệu rác

"Xã hội gọi là rác, nhưng với chúng tôi thì đó là nguyên liệu sản xuất". Ông Phan Minh Nghĩa - Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai nói như vậy về những đống giấy vụn được công ty của ông nhập từ nước ngoài, đang nằm trong kho nguyên liệu của nhà máy (NM) sản xuất giấy in báo, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ông kể: “Trước đây người ta cho rằng, chúng tôi nhập rác về, nên việc nhập khẩu giấy phế liệu cũng rất gian nan, do mình hiểu lẫn lộn giữa nguyên liệu và rác. Dĩ nhiên, trong giấy phế liệu nhập về cũng có lẫn một ít chất thải khác như bao nylon, nhựa... nhưng cơ bản là các loại giấy báo, tạp chí, sách vở cũ bỏ đi”. Theo ông Nghĩa, Tân Mai cần khoảng 3.000 tấn giấy phế liệu mỗi tháng, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước rất ít và không ổn định nên công ty nhập phần lớn giấy phế liệu từ nước ngoài (châu u, Mỹ, New Zealand, Singapore, Nhật Bản...).

Xã hội gọi là rác, nhưng với chúng tôi thì đó là nguyên liệu sản xuất

Ông PHAN MINH NGHĨA, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai

Một loại phế liệu khác sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trong nước là nhựa. Ông Trần Đức Hòa, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Đạt Hòa cho biết, công ty của ông có 2 NM đặt tại Bình Dương và Vĩnh Phúc, trong đó NM tại Vĩnh Phúc sử dụng 100% nguyên liệu là nhựa phế liệu, sản xuất các sản phẩm ống thoát nước. Nhu cầu nguyên liệu cho NM này mỗi năm khoảng 3.000 tấn. Đã có thời gian, công ty của ông Hòa phải nhập khẩu nhựa phế liệu từ nước ngoài về để làm nguyên liệu sản xuất, vì thị trường trong nước không đủ đáp ứng.

Không chỉ là nguyên liệu cung cấp thị trường trong nước, nhựa phế liệu còn được tái chế để xuất khẩu, như trường hợp của Công ty CP gas Thành Tài. Công ty này có NM tái chế chai PET phế thải thành hạt nhựa PET tại Long An. Đây là doanh nghiệp (DN) tiên phong đầu tư công nghệ tái chế hiện đại, công suất giai đoạn 1 (năm 2011) là 20.000 tấn/năm và giai đoạn 2 (năm 2012) sẽ mở rộng thêm NM thứ hai với công suất khoảng 60.000 tấn/năm.

Cần khuyến khích

“VN cần có chính sách khuyến khích các DN thu gom và phân loại rác có thể tái chế, kể cả các DN sử dụng nguồn nguyên liệu từ rác tái chế” - ông Phan Minh Nghĩa đã đề nghị như vậy. Theo ông, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên mà còn giải quyết việc làm cho quốc gia. Sản xuất giấy tái chế dùng ít năng lượng hơn nhiều so với sản xuất từ bột gỗ nguyên thủy. Giấy có thể xoay vòng tái chế đến 6-7 lần. Trung bình cần khoảng 2,2 - 4,4 tấn gỗ để sản xuất được mỗi tấn bột giấy, trong khi chỉ cần 1,3 tấn giấy phế liệu khi tái chế sẽ cho ra 1 tấn bột giấy, hiệu quả kinh tế lớn hơn so với sử dụng bột giấy từ gỗ. Do vậy, các nước tiên tiến sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất giấy từ giấy tái chế. "Ở các nước có các hiệp hội của những DN chuyên về thu gom, phân loại rác tái chế để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Họ có những đại lý thu gom và phân loại cực lớn, làm rất chuyên nghiệp và nguồn cung cấp rất ổn định. Trong khi ngành nghề này tại VN mang tính tự phát và chỉ là những vựa thu gom phế liệu nhỏ lẻ, do vậy nguồn cung cấp trong nước không nhiều" - ông Nghĩa nói.

Ở nước ta, hiện nay dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN (VWS) đầu tư với nhiều hạng mục khác nhau như NM phân loại rác tái chế, NM sản xuất phân bón, NM xử lý nước thải, thu khí gas, sản xuất điện... với vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Dự án có một NM phân loại rác vô cơ để thu hồi các loại phế liệu có thể dùng làm nguyên liệu tái chế, với công suất 600 tấn/ngày. Từ khi dây chuyền phân loại rác phế liệu này hoàn thành vào tháng 9.2010 cho đến nay, VWS chưa nhận được lượng rác phế liệu theo hợp đồng cung cấp từ phía TP.HCM, trong khi phía đối tác lắp đặt thiết bị của NM thì yêu cầu phải chạy thử để nghiệm thu. Do vậy, VWS vừa qua đã xin UBND TP.HCM cho phép nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ về, để chạy thử trong 20 ngày trước khi nghiệm thu. Ông David Dương, Tổng giám đốc VWS cho biết: "Chúng tôi cần nghiệm thu để sớm giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động. Xin nói rõ thêm, phế liệu chúng tôi xin nhập là phế liệu sạch, gồm loại giấy bìa cacton, giấy vụn văn phòng lẫn lộn với các loại bao bì nhựa là loại phế liệu được cho phép nhập theo quy định hiện hành VN". Ông David Dương cũng khẳng định rằng: "Phế liệu VWS xin nhập với khối lượng nhỏ, với mục đích là để chạy thử và nghiệm thu cho NM phân loại tái chế trong 20 ngày, và công ty phải bỏ tiền ra mua để nhập về, chứ không phải chúng tôi được trả tiền để xử lý như là rác".

Giải pháp tái chế và việc xuất - nhập khẩu rác phế liệu được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Đầu tư công nghệ phân loại, tái chế "rác" ở nước ta rất cần được khuyến khích và cần bình tĩnh nhận biết cái nào là rác, cái nào là “rác” nguyên liệu có thể nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.