Xem "Nhà có năm anh em trai"

04/08/2011 00:24 GMT+7

Tối 2.8, vở kịch Nhà có năm anh em trai (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn - NSƯT Anh Tú) đã ra mắt khán giả tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).

Đây là lần thứ hai, tác phẩm kịch nói cảm tác theo truyện ngắn Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được dàn dựng.

Ngay từ khi mở đầu, Nhà có năm anh em trai đã cho thấy hơi thở của cuộc sống đương đại với những khó khăn, lo toan, ham muốn, ước mơ có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó. Người mẹ già cùng năm người con trai sống trong ngôi nhà “bé như bao diêm”. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn bởi những ham muốn, khát khao sâu kín trong mỗi anh em trai bỗng nhiên trỗi dậy kể từ khi có sự xuất hiện của Xuân - vợ anh cả Sĩ.

Tình cảm ríu rít như “đôi chim cu” của đôi vợ chồng mới cưới đã khiến Tình và Đức thèm khát. Tình thèm khát dục vọng. Đức - cậu sinh viên đã đến tuổi yêu đương, cảm thấy bức bách, không thể chịu đựng khi phải sống trong ngôi nhà nhỏ hẹp, suốt ngày phải nghe thấy “những âm thanh” của vợ chồng anh cả. Đức thèm tiền, thèm được giàu có để thoát khỏi ra bốn bức tường chật hẹp. Phúc - người con thứ tư, là chàng trai tật nguyền không bao giờ lớn, cũng mong sẽ có “một nàng công chúa” của riêng mình. Trong nhà, có Dân là người chịu đựng, nín nhịn, chỉ biết chăm chỉ chạy xe ôm kiếm tiền.

Phải nói rằng, đạo diễn - NSƯT Anh Tú đã có nhiều sáng tạo khi thay đổi, đưa vào nhiều tình tiết mới, khắc họa nhân vật đời hơn, thật hơn. Xuân là người vợ đức hạnh nhưng cũng có lúc xao động, chộn rộn trước vẻ đàn ông của Tình. Cuộc sống với những va chạm hằng ngày đã dần dần đẩy kịch tính lên cao trào. Những sĩ diện, dối trá, cả tin, mù quáng đã làm anh em trai mất đi tình yêu thương, nghi ngờ, xúc phạm lẫn nhau.

Kịch tính được đưa lên đến đỉnh điểm với cái chết của Phúc. Những người ở lại như chợt bừng tỉnh về những lỗi lầm, để rồi sau đó là sự bao dung, tha thứ cho nhau. Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi vở diễn kết thúc. Người xem như cùng trăn trở, day dứt với câu nói của Xuân: “Có người nói đời người như một dòng sông, người sống luôn phải cố bơi để khỏi bị cuốn vào vòng xoáy. Còn tôi, tôi nghĩ chỉ cần làm việc chăm chỉ, yêu thương nhau. Nhưng như thế liệu đã đủ chưa?”.

Vở kịch đề cập đến những góc sâu - có khi đen tối, tầm thường, có khi giản dị, cao cả - trong mỗi con người, nhưng không quá lên gân. Một vở kịch tâm lý xã hội đem đến nhiều suy tư cho người xem, nhưng vẫn có những tiếng cười nhẹ nhàng, thoải mái là điều đáng khen cho đạo diễn Anh Tú. Vở kịch lột tả chân thực cuộc sống, nhưng nhiều chi tiết trong vở diễn còn hơi thô. Các diễn viên trẻ thuộc Đoàn kịch I - Nhà hát Tuổi Trẻ đã để lại thiện cảm cho người xem tuy đôi lúc nhiều vai diễn chưa thể hiện được sự tinh tế cần có. Vai diễn gây ấn tượng với nhiều khán giả là nhân vật Phúc (do diễn viên trẻ Anh Quân đảm nhận).

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.