Khó hiểu

04/08/2011 00:52 GMT+7

Những con số đi ngược lại với thực trạng nền kinh tế, mâu thuẫn với chủ trương, chính sách... khiến dư luận cảm thấy lạ lẫm, khó hiểu, thậm chí hoang mang.

Đầu tháng 4, quyết định gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho các DN vừa và nhỏ trong vòng 1 năm có hiệu lực. Theo ước tính của Bộ Tài chính, số tiền dành cho đợt giãn thuế này vào khoảng 7.000 tỉ đồng với khoảng 200.000 DN nằm trong diện được hưởng sự hỗ trợ này. Cũng từ 1.5, các hộ kinh doanh nhà trọ được giảm thuế 20% nếu cam kết không tăng giá. Nhưng số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 7, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 386.760 tỉ đồng, bằng 65% dự toán năm. Một tỷ lệ khá cao so với cùng kỳ là 57,5%; hay năm 2009 là 50,9%... Chiếu theo logic thì nếu kinh tế thuận lợi, hoạt động kinh doanh của DN phát triển tốt... tăng thu thì quá đúng, quá mừng. Nhưng kinh tế đang khó khăn, nhiều DN thu gọn quy mô, chỉ hoạt động cầm chừng; tăng trưởng GDP 6 tháng cũng giảm so với chỉ tiêu và cùng kỳ năm 2010, cộng  thêm việc giãn thuế, giảm thuế theo chủ trương của Chính phủ mà thu ngân sách vẫn tăng... Ngẫm cũng thấy khó hiểu. Muốn hiểu được, phải làm rõ 2 việc. Đầu tiên là phân tích cụ thể, chi tiết cơ cấu nguồn thu để xem tăng ở đâu, hợp lý hay không? Thứ 2 là kiểm tra xem việc thực hiện chủ trương hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Chính phủ được triển khai thực hiện thế nào? Có đúng, có đủ, có kịp thời hay không?

Tương tự, việc hàng loạt ngân hàng (NH) công bố lãi trong 6 tháng đầu năm đầy khó khăn của nền kinh tế... thì quá khó hiểu. NH là trung gian tài chính giữa nơi có vốn và nơi cần vốn. Nếu trung gian này có lợi nhuận lớn (chênh lệch giữa lãi vay và huy động cao), nghĩa là chi phí vốn cao lên (lãi vay cao), cũng có nghĩa là giá thành sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng... cao hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải gồng mình để đối phó với lạm phát; DN đình đốn sản xuất, nguy cơ phá sản luôn rình rập thì việc "cỗ máy lợi nhuận" của "khâu trung gian" vẫn phăng phăng tiến về phía trước thì đúng là không thể hiểu được. Dư luận thì đòi hỏi các NH phải chia sẻ với nền kinh tế, với DN. Đòi hỏi này hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng chia sẻ như thế nào để đạt hiệu quả thực sự, để vốn rẻ hơn có thể chảy đến sản xuất như mục tiêu của Chính phủ thì không thể kêu gọi bằng cảm tính mà phải bằng những quy định, chính sách từ cơ quan quản lý. Nên cái cần phải tìm hiểu, phải làm rõ là ở cấp quản lý, cấp có thẩm quyền đã tạo ra những điều kiện, những khe hở để các NH "lách" và hưởng lợi lớn thay vì điều tiết lợi ích giữa các bên liên quan bằng công cụ của mình.

Bức tranh lạ, được vẽ lên từ những con số tích cực nhưng không mang lại ấn tượng đẹp, không mang lại niềm vui và sự thoải mái cho người xem bởi nó lẻ loi trong thực trạng chưa mấy sáng sủa của nền kinh tế.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.