Giảm tải năm học mới

04/08/2011 00:58 GMT+7

Từ giữa tháng 8, nhiều tỉnh thành cả nước bắt đầu tựu trường. Dịp này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh những vấn đề mới và “nóng” trong năm học 2011-2012.

SGK viết cao hơn so với chương trình

Sai sót trong sách giáo khoa (SGK) đã được dư luận nhắc đến rất nhiều và có thể chờ đến sau năm 2015, khi đổi mới chương trình - SGK phổ thông mới có những thay đổi. Vậy trong năm học tới, Bộ GD-ĐT có kế hoạch gì để khắc phục tình trạng này hay không, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Vinh Hiển

Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các nhóm (bao gồm tác giả chương trình, tác giả SGK, giáo viên cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục) khẩn trương biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu dạy học kịp gửi đến giáo viên thực hiện ngay trong năm học tới.

Những vấn đề chính nào sẽ được điều chỉnh, thưa ông?

Bộ tài liệu này khi được gửi đến các trường là sẽ áp dụng được ngay. Các loại nội dung sau đây sẽ được điều chỉnh: SGK viết cao hơn so với chương trình, những nội dung sai kiến thức, nội dung trùng lặp giữa các môn, nội dung lặp đi lặp lại nhiều quá do chương trình "đồng tâm" sẽ được cắt bớt... Ngoài ra, còn những điều cần chỉnh sửa khác như: nội dung bài học không cao nhưng phần bài tập, câu hỏi kiểm tra lại quá cao...

Với cách chỉnh sửa như vậy thì cũng có thể xem là nhằm giảm tải cho học sinh (HS) và giáo viên nhưng về bản chất là điều chỉnh cho phù hợp hơn. Sửa chữa những sai sót mà vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình chứ không hoàn toàn là cắt gọt nội dung dạy học một cách cơ học. Trên thực tế, HS bị quá tải là do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do kiến thức trong SGK nặng.

Vậy Đề án đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015 sẽ được tiến hành ra sao?

Đề án này sẽ được xây dựng một cách bài bản để trình Chính phủ trong một thời gian thích hợp. Tuy nhiên, phải nói rõ là đề án này chắc chắn sẽ được trình sau khi Chiến lược phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt.

 

Phụ huynh mua SGK chuẩn bị năm học mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khó đưa ra quyết định kỷ luật nếu để sĩ số cao

Thưa ông, tình trạng quá tải sĩ số ở nhiều trường học tại các thành phố lớn đã tồn tại rất nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục tái diễn trong năm học tới. Bộ có ý kiến gì về vấn đề này chưa?

Bộ đã nhắc nhở các địa phương phải rà soát và lên kế hoạch cụ thể để khắc phục tình trạng quá tải đối với những trường có quy mô quá lớn, những lớp học có sĩ số quá đông.

Được biết, TP Hà Nội đã có chủ trương khi có các cơ sở trong nội thành được di dời ra ngoại ô thì quỹ đất có được sẽ dành trước tiên cho giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp hiện nay.

Nhưng tại sao Bộ GD-ĐT không có một hình thức kỷ luật đủ mạnh để các địa phương kiên quyết hơn trong việc giảm quá tải về sĩ số?

''Nếu tất cả các trường đều dạy theo chương trình mới thì cả nước còn thiếu khoảng 14.000 giáo viên dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học''

Thực ra việc quy hoạch mạng lưới trường lớp phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương. Nếu Bộ GD-ĐT hạ mức thi đua đối với ngành GD-ĐT của địa phương còn để sĩ số quá tải thì không chừng sở GD-ĐT đó còn bị chính quyền địa phương phê bình thêm lần nữa chứ chưa chắc đã là động lực để đầu tư cho GD-ĐT tốt hơn. Trong khi đó, thầy cô ở những trường quá đông HS thì rõ ràng là vất vả hơn nhiều. Nghĩ đi nghĩ lại chúng tôi thấy quả thực là rất khó khi đưa ra một quyết định hạ mức thi đua (chưa nói gì đến kỷ luật) đối với sở GD-ĐT một địa phương trong vấn đề này.

Bắt buộc học ngoại ngữ từ lớp 3: không chạy theo số lượng

Vấn đề gì là khó khăn nhất trong quá trình thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ 10 năm như một môn học bắt buộc từ lớp 3, thưa ông?

Điều đáng lưu tâm nhất trong việc thực hiện đề án này là, với bậc tiểu học chỉ thực hiện được ở những lớp học 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần). Hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học vừa thiếu vừa rất yếu. Theo khảo sát, nếu tất cả các trường đều dạy theo chương trình mới thì cả nước còn thiếu khoảng 14.000 giáo viên dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Vừa rồi Bộ tiến hành kiểm tra những giáo viên được xem là tốt nhất mà các địa phương cử đi tập huấn, trong số 147 giáo viên thì có 88 người được xem là đạt về chuẩn tiếng Anh, chưa nói đến năng lực sư phạm.

Chủ trương của Bộ GD-ĐT là kiên quyết chỉ triển khai ở những nơi nào có đủ giáo viên đạt chuẩn cả về năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm, có đủ thời gian học (học 2 buổi/ngày). Làm được đến đâu là có hiệu quả chắc chắn, tuyệt đối không nôn nóng chạy theo số lượng, nơi nào chưa đạt yêu cầu về giáo viên, về điều kiện dạy học thì dứt khoát chưa làm. Tất nhiên, sẽ không vì vậy mà các địa phương thiếu quyết liệt trong việc triển khai đề án, Bộ đã chỉ đạo và hướng dẫn từng tỉnh, thành phố đều phải xây dựng đề án dạy học ngoại ngữ cho phù hợp với điều kiện của địa phương mình từ nay đến năm 2020.

Chấm dứt các kỳ thi HS giỏi cấp tiểu học

Trong năm học tới chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh về thi cử, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những cách làm thực sự không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh trong năm tới.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết hơn trong việc yêu cầu các địa phương chấm dứt các kỳ thi HS giỏi ở cấp tiểu học. Theo quy định, toàn quốc chỉ thi chọn HS giỏi ở lớp 12. Tất cả những cuộc thi nếu có ở cấp học dưới chỉ mang tính chất hội thi, giao lưu, nhằm động viên sự cố gắng và bồi dưỡng năng khiếu của HS, không dùng kết quả đó để xếp loại thi đua của nhà trường, của đơn vị cuối học kỳ hay cuối năm học.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.