Bổn cũ soạn lại

03/08/2011 00:28 GMT+7

Tổng cục Đường bộ (TCĐB) VN lại vừa trình dự thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) để Bộ GTVT xem xét trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đây là lần thứ ba trong vòng 1 năm qua, cơ quan này liên tục đề xuất áp thêm 1 loại phí đối với phương tiện tham gia giao thông.

Dù dự thảo tới lui nhiều lần, song đề xuất mới vẫn chưa giải quyết được tất cả vướng mắc đã được đặt ra đối với các lần dự thảo trước, nếu không muốn nói là vẫn "bổn cũ soạn lại".

Dự thảo mới thể hiện sự "xào nấu" 2 dự thảo cũ khi đề xuất áp dụng song song 2 hình thức thu phí BTĐB là thu qua giá xăng dầu (dự thảo lần 1) và qua đầu phương tiện (dự thảo lần 2). Cụ thể, sẽ thu qua đầu phương tiện với ô tô con theo mức 180.000 đồng/tháng. Đồng thời, thu tiếp qua xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng, 330 đồng/lít dầu diesel.

Trước đó, việc thu phí theo đầu phương tiện đã được đánh giá là lạc hậu, dễ thất thu, trong khi bộ máy thu phí cồng kềnh. Làm sao bắt chủ ô tô đi đóng phí BTĐB hằng tháng là cả một vấn đề, và nếu họ không đóng phí thì chế tài ra sao? Muốn xử phạt, trước hết cần quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt, lực lượng xử phạt... và như vậy, phải bổ sung hàng loạt quy định liên quan.

Chúng ta đã thấy quy định mua bảo hiểm định kỳ cho xe đang lưu hành có hơn chục năm nay song gần như bỏ lửng vì không kiểm soát được trên thực tế. Quan trọng hơn, bản chất của phí BTĐB phải được thu trên cơ sở thực tế lưu thông (tức xe lưu thông nhiều thì thu nhiều và ngược lại). Nếu thu cào bằng trên số lượng đầu xe thì chỉ đánh vào việc sở hữu phương tiện chứ không nhắm vào việc sử dụng phương tiện.

Còn việc thu phí qua giá xăng dầu tuy dễ thu, dễ nộp và chi phí xã hội thấp, song lại mang tính cào bằng. Các loại phương tiện sử dụng xăng (xe máy, ô tô con và xe tải nhẹ) dù có lưu thông nhiều nhưng mức độ gây hư hỏng kết cấu cầu đường gần như không đáng kể. Nếu đánh phí 1.000 đồng/lít xăng và bắt chủ các loại phương tiện này đóng tiền để bảo trì, sửa chữa các hư hỏng không do mình gây ra là thiếu công bằng. Chưa kể, trong mỗi lít xăng dầu hiện nay đã gánh đến 6 loại thuế, phí, sắp tới còn thêm phí môi trường, cho nên việc đánh thêm phí BTĐB đối với mặt hàng đặc biệt này cần hết sức cân nhắc. Cách thu này cũng gây mất công bằng khi thu cả đối với những máy móc thiết bị sử dụng nhiên liệu nhưng không hề tham gia giao thông.

TCĐB cũng chưa giải quyết được tình trạng "phí chồng phí" khi vừa thu phí BTĐB lại vừa bắt phương tiện đóng phí tại các trạm thu phí hiện hữu. Nếu chỉ dẹp các trạm thu phí nhà nước thì người lưu thông sẽ vẫn è cổ đóng phí tại các trạm thu phí tư nhân BOT đang mọc lên dày đặc, với mức phí đắt đỏ (thường gấp 1,5 - 2 lần phí tại trạm nhà nước) mà trong đó mức thu tại từng trạm đã bao gồm phí BTĐB rồi.

Người tham gia giao thông có lẽ không ai phản đối việc đóng góp thêm một khoản phí nếu nó được đưa ra trên cơ sở công bằng, hợp lý, và nhất là sẽ phục vụ trở lại một cách hiệu quả cho lợi ích của họ. Song thật khó chấp nhận khi người dân đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí liên quan đến giao thông trong khi chất lượng cầu đường được thụ hưởng không hề tương xứng. Ngay trong xăng dầu hiện nay cũng đã có phí giao thông 1.000 đồng/lít, thu 10 năm nay nhưng chẳng biết hiệu quả sử dụng thế nào.

Trong khi đó, mức phí BTĐB do TCĐB đề xuất lại thiếu thuyết phục vì không dựa trên tiêu chí nào. Tại sao lại là 1.000 đồng/lít xăng, 180.000 đồng/ô tô/tháng mà không phải nhiều hay ít hơn? Việc đưa ra một loại phí phải có khảo sát, tính toán khoa học, chứ không thể tự ngồi nghĩ ra bằng cách lấy số tiền BTĐB hằng năm còn thiếu bao nhiêu thì chia đều trên đầu phương tiện để bắt người dân đóng. Đó là một sự áp đặt duy ý chí.

Qua các lần dự thảo, có thể thấy rõ sự loay hoay của TCĐB giữa 2 phương án thu qua xăng dầu và đầu phương tiện. Điều này cho thấy chính cơ quan này cũng không thực sự tin tưởng vào phương án nào. Một đề xuất mà chính người soạn thảo còn không cảm thấy tự tin, thì làm sao có thể thuyết phục được những người thi hành nó?

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.