Quyền của người tiêu dùng

01/08/2011 17:47 GMT+7

Những ngày qua, đề tài về các công ty, cá nhân tiếp thị hàng hóa đến tận nhà quấy rối, vòi vĩnh, ép gia chủ mua hàng kém chất lượng luôn nóng hổi ở khu dân cư tôi ở vào những buổi chiều tối. Không chỉ là chuyện những người bán nồi, chảo, ống nước, bếp gas đến tiếp thị hàng rồi năn nỉ, nài ép mua đã xảy ra từ lâu mà còn có chuyện mới là một số người bán hàng lợi dụng dịch bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết để lừa đảo bán hàng với giá trên trời.

Bà Thân, ông Quân bị hai đối tượng, một tự giới thiệu là ở hội liên hiệp phụ nữ quận và một tự giới thiệu là ở trung tâm y tế quận đến để bán thuốc tẩy vi khuẩn lây bệnh tay chân miệng và thuốc phun diệt muỗi với giá cao ngất ngưởng từ 200.000 - 400.000 đồng/gói (tùy mặt chủ nhà mà hét giá). Còn bà Nhiên thì bị một đối tượng giới thiệu là người ở công ty diệt muỗi đến nài ép mua thuốc cũng với giá cắt cổ như trên. Dù “nhẹ dạ cả tin” hay vì không chịu nổi sự chèo kéo mà mua thì cái cuối cùng ai cũng được nhận… là sự tức tối, bực bội khi biết mình bị lừa. Họ đi chia sẻ thông tin để giúp hàng xóm đề phòng và chửi rủa để trút bớt cục tức… Nhưng, tuyệt nhiên không ai nghĩ đến chuyện báo công an hay kiện các cá nhân, đơn vị đã lừa đảo mình. 

Hỏi ra mới biết còn có những người thường xuyên bị quấy rối qua điện thoại bởi các công ty tư vấn về làm đẹp, du học… nhưng vẫn đang cam chịu. Rồi nhiều người mua phải hàng nhái, hàng giả cũng ngậm ngùi cho qua chuyện.

Nguyên nhân đơn giản vì nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa ý thức hết về quyền của mình; không hề biết Việt Nam đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Khi xử kiện, quyền lợi của người tiêu dùng được ưu tiên hơn hết. Đồng thời, người tiêu dùng vẫn chưa thoát khỏi được tâm lý e ngại phiền phức và thậm chí có rất nhiều người chưa quan tâm đến quyền lợi chính đáng của mình. Đơn cử như vụ xe Toyota bị lỗi, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh kiểm tra, có tới gần 80 ngàn chiếc bị lỗi, công khai trên báo chí nhưng gần 2 tháng sau đó cũng chỉ có hơn 500 chiếc đến sửa chữa. Một cán bộ của hội đã bức xúc: “Ngay cả bản thân người tiêu dùng còn không quan tâm đến quyền lợi của mình thì làm sao cơ quan chức năng có thể can thiệp được”.

Trong khi ở nhiều nước khác trên thế giới, chuyện người tiêu dùng đi kiện doanh nghiệp diễn ra như cơm bữa và kết quả người tiêu dùng thắng kiện được đền bù xứng đáng cũng không ít. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng từng nhấn mạnh, chính sự tố cáo, khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng sẽ góp gần quan trọng giúp các cơ quan chức năng phát hiện, vào cuộc nhanh chóng, xử phạt những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, lừa đảo; giúp doanh nghiệp cải tiến sản phẩm, dịch vụ để phát triển tốt hơn.

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.