Rung động với "Hãy khóc đi em"

31/07/2011 00:17 GMT+7

Được tái dựng sau 7 năm là “hiện tượng” ở phòng vé sân khấu IDECAF, vở kịch Hãy khóc đi em vừa có suất diễn ra mắt tối 29.7 trên Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

 

Hạnh của Thanh Thủy điên dại với nỗi đau tận cùng trong Hãy khóc đi em - Ảnh: Nguyễn Á

Cũng qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn phiên bản trước là Ái Như, nhưng kịch đã được khoác “áo” mới: sắc nét hơn, khác nhiều về đường dây, tính cách một vài nhân vật, đã lấy được không biết bao nhiêu nước mắt và sự đồng cảm của khán giả.

Cái khác dễ thấy nhất ở Hãy khóc đi em lần này là ở cái kết được gia giảm liều lượng, thấu tình đạt lý, xoa dịu hơn nỗi đau của Hạnh - người phụ nữ “trời bắt tội”. Hạnh đã không điên loạn, không u mê lạc vào thế giới người cõi âm để sống nốt kiếp người bất hạnh mà chị gánh phải hơn nửa đời người. Chị đau đến điên dại trong sự nhận thức nỗi bẽ bàng đời mình, trong cái đắng chát của sự dối trá không thể nào tàn nhẫn hơn từ người chồng mà chị luôn “đội trên đầu”. Nhưng chị chỉ biết câm lặng, nỗi đau và những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng... Và rồi trước khi tấm màn nhung khép lại, chị đã khóc gào lên một lần, để cho nỗi đau thấu tận trời cao, tan vào mây xanh trước lời kêu khản: “Hãy khóc đi, đừng chai lì nữa Hạnh ơi” của Hướng (Thành Hội đóng). Khán giả cũng đã chảy nước mắt vì niềm ủi an rằng người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn còn biết khóc, và khóc được để gột rửa nỗi đau, để thực sự sống lại với cuộc đời, không còn mãi giam mình trong căn phòng lạnh lẽo của “bóng ma” đã tàn phá đời mình.

Hãy khóc đi em sẽ tiếp tục được công diễn tại Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (36 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) với lịch diễn: suất 16 giờ ngày 31.7, 7.8, 21.8 và suất 20 giờ ngày 12.8, 26.8, 27.8…

Khán giả có thể đã quá quen với nội dung vở diễn này, bởi Hãy khóc đi em từng nổi tiếng ở Sân khấu kịch IDECAF, cũng như câu chuyện của Hạnh đã quá nổi tiếng qua truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, và từng được đạo diễn Vinh Sơn chuyển thể thành phim nhựa. Nhưng sức quyến rũ của bản thân câu chuyện và của bản dựng sân khấu vở kịch này quả thật không thể phủ nhận. Người ta đến không phải để xem câu chuyện nói gì nữa, mà thật sự muốn thưởng thức tài xử lý tinh tế của đạo diễn, nét diễn xuất thần, sự nhập vai không thể chê được của dàn diễn viên có nghề.

Thanh Thủy một lần nữa khẳng định tài năng của mình khi thuyết phục hoàn toàn người xem với vai Hạnh. Diễn chậm rãi, sắc nét, biết điều tiết những nhấn nhá để đẩy người xem xúc động đến tận cùng, tìm được sự sẻ chia trong những phân đoạn hoảng loạn, thất thần đến mức chết lặng. Hồng Ánh đem lại sự thú vị cho khán giả khi từng đóng vai Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng, để đảm nhận vai Thắm. Dễ nhận thấy sự chăm chút cho vai diễn đến từng chi tiết nhỏ của Hồng Ánh khi chị làm nên diện mạo mới cho Thắm - cô gái quê tinh ranh dưới bộ mặt ngây ngô, chân chất, “vàng đeo đầy người”.

Quang Thảo trong vai Phương được đạo diễn Ái Như “tái tạo” một đường dây mới trong tính cách, không giống Thành Lộc trong bản dựng trước là một kẻ chủ mưu, tàn nhẫn sắp đặt mọi thứ để lừa gạt người vợ cũ. Phương của Quang Thảo với diễn xuất nhiều nỗ lực, làm cho khán giả hiểu được anh thoạt đầu chỉ muốn “ăn vụng” để kiếm một đứa con, nhưng chính áp lực của dư luận đã giúp anh đi trót lọt những nước cờ mà anh đang bí. Ngay cả Ái Như trong vai bà Thu nhiều chuyện, làm “kẻ hai mặt” với nét diễn “tỉnh như không” cũng đã giúp vở diễn thêm phần duyên dáng.  

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.