Đại tang ở Tân Dân

31/07/2011 02:15 GMT+7

Xã Tân Dân và cả H.An Lão đang trải qua ngày đại tang. Từ gần trăm năm nay, ở đây chưa bao giờ xảy ra vụ tai nạn nào thương tâm như lần này", ông Phó chủ tịch UBND H.An Lão Phạm Duy Đảm giọng khản đặc, mắt đỏ hoe giãi bày với phóng viên và các cán bộ từ cơ quan, đoàn thể đang đứng kín trụ sở UBND xã Tân Dân.

Bão vào. Gió ù ù quất mưa nhạt nhòa lên khuôn mặt thất thần của người đi xe máy, xe đạp trên đường xã Tân Dân. Những vành khăn trắng ướt đầm đìa nước mắt, nước mưa hớt hải lo tang gia cho kịp chạy bão. Theo thông báo của UBND H.An Lão, đến trưa qua 30.7, trong số 13 người tử nạn trong vụ hỏa hoạn, có 10 người đưa xác về nhà mai táng, còn lại 3 người đang phải chờ giám định. Trong đó, 9 người ở xã Tân Dân, một nạn nhân tên Nguyễn Thị Nga ở xã Thái Sơn gần đó.

 

Ông Bùi Văn Biên lặng người bên di ảnh hai đứa con mới 22 và 17 tuổi - Ảnh: Káp Long

25 người bị thương, có 17 trường hợp bị thương nặng phải chuyển lên Bệnh viện Trung ương tại Hà Nội. 

Tang tóc

Tiếng kèn đám ma não nề vang khắp từ thôn Đại Hoàng 1 đến thôn Đại Hoàng 5, từ thôn Lai Thị đến Lai Thượng, Lai Hạ, Việt Khê... Vì quá nhiều đám tang trong một ngày nên việc tìm xe đòn, thợ kèn cũng không phải chuyện dễ. Người nhà chị Lê Thị Hồng ở thôn Đại Hoàng 2 đã phải nhờ thợ kèn từ Nam Sách, Hải Dương, cách nhà tới 60 km đến thổi điệu nhạc bi ai đưa chị về nơi chín suối.

 

Cả xã Tân Dân đẫm nước mắt trong ngày đại tang

Dưới chiếc bạt nhỏ mỏng manh, xô lệch ướt lướt thướt vì mưa, ông Lê Văn Hòa, anh ruột nạn nhân Lê Thị Hồng, ngậm ngùi: "Em tôi vất vả từ khi lớn lên, lấy chồng, sinh con, đến cả khi chết vẫn chưa hết khổ".

Hoàn cảnh chị Hồng thực sự cùng cực. Chị và anh Dương Văn Chiên có 2 con trai. Đứa lớn sinh năm 1988, đúng mùng 1 tết dương lịch năm 2010 bị chết vì tai nạn xe máy. Chồng chị vốn đã đau yếu, sau cú sốc mất con nên gần như ngẩn ngơ. Chị Hồng ngày ngày đi làm đồng, làm may để nuôi chồng, chăm đứa con trai thứ hai đã 21 tuổi nhưng bị liệt từ nhỏ, không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân được.

 

Bà Vũ Thị Dinh vật vã bên quan tài đứa con trai duy nhất vừa đỗ đại học - Ảnh: Káp Long

Trên chiếc giường đặt gần linh cữu mẹ, "cậu bé" 21 tuổi Dương Văn Đức đang được một người bác đút từng thìa cơm vào miệng. Thấy người lạ, Đức ngắc ngứ nói lắp bắp: "Mẹ, mẹ chết rồi...". Anh trai mất, mẹ mất, bố bị ngẩn ngơ, giờ đây Đức sẽ mất đi chỗ dựa lớn nhất cuộc đời, mẹ cậu sẽ không còn đút cơm cho Đức ăn được nữa...

Cách đám tang nhà chị Hồng chừng trăm mét là đám tang tại nhà ông Bùi Văn Biên, ở thôn Đại Hoàng 4. Ông Biên gần 60 tuổi đứng chết lặng trước bàn thờ đặt di ảnh 2 đứa con là Bùi Thị Yến, sinh năm 1989 và Bùi Xuân Anh, sinh năm 1993.

Ở phía trong, bà Vũ Thị Dinh, vợ ông Biên vật vã khóc bên quan tài đứa con trai xấu số. "Trời ơi, cả hai đứa con tôi đã bỏ tôi mà đi, tôi sống làm gì nữa hả trời...", bà Dinh gào lên từng đợt, tóc rối bù xõa xuống chạm vào quan tài đứa con trai vừa thi đại học được 17 điểm. Thi thể con gái ông bà vẫn chưa đưa về được do bị cháy quá nhiều, đang phải chờ giám định.

 

Chị Lê Thị Hồng ra đi, để lại đứa con trai bại liệt 21 tuổi vẫn phải nhờ người thân bón từng thìa cháu - Ảnh: Nguyễn Đức

Ông Biên ngậm ngùi: "Vợ chồng tôi vất vả cả đời nuôi con ăn học, mấy hôm trước cả nhà còn phấn khởi mừng con trai đỗ đại học, con gái sắp tốt nghiệp đại học ra trường. Giờ thì...". Ông Biên quay mặt đi lau giọt nước trào ra bên khóe mắt đỏ ngầu, lăn xuống gò má nhăn nheo.

Con gái cả của ông, Bùi Thị Hiên, chính là chủ xưởng may bị hỏa hoạn. Hiên đang có bầu đứa thứ 2, chỉ còn 7-10 ngày nữa sẽ sinh nở. Giờ ông mất 2 đứa con út, con gái cả đang bị giam cùng chồng là A Phong (người Trung Quốc), tại cơ quan công an.

Hỗ trợ gia đình nạn nhân

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Duy Đảm, Phó chủ tịch UBND H.An Lão cho biết, trước mắt mỗi gia đình có người thiệt mạng sẽ được hỗ trợ 13 triệu đồng, gia đình người bị thương được hỗ trợ 5 triệu đồng từ ngân sách huyện và TP. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cân đối các nguồn tiền quyên góp được của nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm.

Trả lời câu hỏi tại sao một xưởng may thiếu đủ thứ, từ lối thoát hiểm, bình chữa cháy, giấy phép, hợp đồng lao động...  lại chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Dân chừng 300m mà vẫn được hoạt động, ông Đảm nói: "Chúng tôi đang tập trung cứu người và giải quyết hậu quả, vài ngày tới, các cơ quan chức năng sẽ điều tra để quy trách nhiệm, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị có thiếu sót trong vụ này".

Con khóc đòi sữa, mẹ không về...

Tại xã Tân Dân, trong tiếng gió rít, tiếng mưa bay, tiếng bố mẹ khóc con, anh khóc em, chồng khóc vợ, còn có cả tiếng trẻ thơ 7 tháng tuổi khóc đòi sữa mẹ. Em khóc vì mẹ mãi mãi không về... Đó là hoàn cảnh gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Lai Thị. Chị Tuyến tử nạn trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau khi nghỉ đẻ, để lại đứa con trai đầu lòng 7 tháng tuổi.

Đứng bên quan tài người vợ trẻ mới 24 tuổi, anh Nguyễn Văn Tiến giọng nghẹn đặc, khuôn mặt hốc hác: "Chúng em lấy nhau được 2 năm, chưa dám có con ngay vì nhà nghèo. Sau khi đi làm, dành dụm được ít tiền mới sinh cháu đầu lòng. Chúng em đặt tên cháu là Nguyễn Thành Công để mong cháu thành công trong cuộc sống, sẽ thoát được cảnh nghèo. Hôm xảy ra hỏa hoạn là ngày đầu tiên vợ em đi làm sau gần 1 năm nghỉ sinh cháu. Buổi trưa nhà em còn về cho con em bú, vậy mà...", Tiến nghẹn lại rồi nấc lên: "Giờ con em sẽ không còn được bú mẹ nó nữa rồi anh ơi...".

Anh Tiến kể, vào buổi chiều định mệnh 29.7, khi biết tin cháy xưởng may, anh lao tới, vất vả lắm mới chen được vào trong, cùng mấy anh công an vừa đưa xác nạn nhân ra ngoài vừa bới tìm xác vợ.

Tiến và vài thanh niên khác đưa được xác 6 người ở giữa xưởng ra thì chạy về phía nhà tắm sát tường cuối xưởng, ở đó có 7 thi thể. Vợ anh nằm sấp, bị cháy phần tóc, mặt không bị cháy nên Tiến nhận ra ngay và ôm xác vợ lên xe, đi về nghĩa trang Ninh Hải.

"Bây giờ em chẳng biết làm thế nào, chắc thỉnh thoảng phải đưa cháu đi bú nhờ người đang có sữa và đành phải pha sữa cho cháu tập ăn chứ biết làm sao", Tiến lặng đi trong buổi chiều u ám. Mưa vẫn không ngớt trút xuống nghĩa địa, nơi những nấm mồ vừa được đắp lên sau vụ hỏa hoạn oan nghiệt.

 Một cán bộ Công an huyện An Lão cho biết, sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, vợ chồng chủ xưởng may Bùi Thị Hiên và chồng là A Phong (người Trung Quốc) đã chạy sang huyện Thủy Nguyên, đổi xe ô tô chạy lên hướng Móng Cái, giáp biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ra đến Quảng Ninh thì vợ chồng Hiên - A Phong bị bắt. Chiều tối qua, 30.7, Công an H.An Lão đã áp giải cả 6 người liên quan lên Công an TP Hải Phòng để điều tra, làm rõ. 6 người liên quan gồm: vợ chồng chủ đất Bùi Thị Sự (SN 1967) và Bùi Đức Lạng (SN 1962, người thôn Đại Hoàng 2, Tân Dân, An Lão); người thuê nhà xưởng để sản xuất là Bùi Thị Hiên (SN 1987) và A Phong (40 tuổi, người Trung Quốc, cùng ở An Lão); Lê Văn Bảy (SN 1985) và em rể của Bảy tên Linh, là người hàn mái tôn, gây cháy.

Káp Long - Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.