Bão số 3 suy yếu

30/07/2011 18:37 GMT+7

(TNO) Tối 30.7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An, với sức gió cấp 8 cấp 9. Hiện trọng tâm chống bão lụt đã được chuyển sang các huyện miền núi, nơi rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét do mưa lớn sau bão gây ra.

>> Sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9
>> Thanh Hóa: Khẩn trương đưa 8 ngư dân mắc kẹt vào bờ
>> Khắp nơi khẩn trương đối phó bão số 3
>> TP.HCM: Cây đổ hàng loạt vì gió lốc

Chuyển trọng tâm chống lũ ở miền núi

Tối 30.7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An, với sức gió cấp 8 cấp 9. Do đã chủ động trong công tác chuẩn bị, cộng với bão vào trong lúc đỉnh thủy triều đã rút, nên hiện vẫn chưa gây thiệt hại gì lớn cho các địa bàn nơi bão đi qua. Hiện trọng tâm chống bão lụt đã được chuyển sang các huyện miền núi, nơi rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét do mưa lớn sau bão gây ra.

Thanh Hóa có 386 khu vực với 4.581 hộ dân với 20.485 người nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chính vì vậy để chủ động đối phó với mưa lũ sau bão tỉnh Thanh Hóa đã chủ động dự trữ về lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập, chia cắt khi có mưa lũ, với số lượng: gạo tẻ 590 tấn; mỳ tôm 10.550 thùng; nước uống 1.760 thùng; muối i ốt: 1.000 tấn; ni lon, vải bạt 36.500 m²; dầu hỏa 206 tấn; xăng dầu 1.605.000 lít…

Bão số 3 suy yếu

Tại Nghệ An, bão đã đổ bộ vào đất liền lúc 18 giờ. Tại huyện Quỳnh Lưu (khu vực gần tâm bão đi qua), gió bão mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Hiện tại (lúc 20 giờ), gió đang giật cấp 7 kèm theo mưa lớn. Ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết đến nay bão chưa gây thiệt hại gì đáng kể.

Đến 19 giờ 30, gió bão tại khu vực Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã bắt đầu giảm cấp. Theo kinh nghiệm của người dân vùng biển thì đó là dấu hiệu bão bắt đầu đi qua khu vực, vào sâu trong đất liền.

Lúc 19 gờ 15, phóng viên Ngọc Minh cho biết, bão số 3 đã vào đến đất liền. Tâm bão đi qua địa bàn phía nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An, với sức gió mạnh khoảng cấp 8, giật cấp 9, kèm mưa to. Hiện vẫn chưa có thông tin về thiệt hại.

Lúc 18 giờ 15 tại các huyện ven biển Thanh Hóa gió đã bắt đầu thổi mạnh, mưa không lớn. Ở các huyện phía nam như Tĩnh Gia, Quảng Xương là nơi được dự báo tâm bão đi qua gió mạnh cấp 6 cấp 7. Hiện tại Thanh Hóa, công tác sơ tán dân bước 1 đã hoàn thành, các lực lượng đang sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Tuy nhiên hiện đỉnh của thủy triều đã bắt đầu rút, vì vậy nếu bão đổ bộ trong những giờ sắp tới, sẽ loại trừ được nguy cơ nước biển dâng gây thiệt hại cho các vùng sát mép nước. Thanh Hóa đang cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.

Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện vùng cao Mường Lát cho biết, hiện trên địa bàn huyện đã bắt đầu có mưa. 

"Năm nay huyện đã chuẩn bị lương thực và các nhu yếu phẩm khác tại chỗ để khi cần là hỗ trợ nhân dân. Các đồn biên phòng cũng có phương án chuẩn bị hỗ trợ khi cần thiết. Chúng tôi đang đi kiểm tra tại xã Pù Nhi, nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao trong trường hợp mưa to. Riêng tuyến đường giao thông huyết mạch 502 lên huyện Mường Lát, địa phương cũng đã lên phương án phòng chống sạt lở cố gắng hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khi sự cố xảy ra.

Hiện còn một số hộ dân sống ven con đường tỉnh lộ 520 đang thi công dang dở nên rất dễ sảy ra sạt lở, kể cả trên và dưới ta luy đường. Hiện UBND huyện đang đi vận động bà con di dời đến nơi an toàn". ông Bường cho biết. 

Ngư dân các huyện ven biển cảnh giác cao độ, chằng chống nhà cửa phương tiện sẵn sàng đón bão

Gió bão mạnh cấp 6 cấp 7 đã xuất hiện ở Thanh Hóa

Tại Nghệ An, tính đến 18 giờ hôm nay, 4.947 hộ dân với 17.999 người ở các vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó thị xã Cửa Lò 2.460 hộ, huyện Diễn Châu 1.435 hộ, Quỳnh Lưu 225 hộ, Nghi Lộc 634 hộ và 193 hộ dân sống trên các khu chung cư cũ nát ở TP Vinh cũng đã được sơ tán. Đến chiều nay, 4.268 phương tiện tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn. Một số hồ đập trên địa bàn có sự cố về tổ mối ở thân đập đã được kịp thời xử lý.

Hiện tại gió bão đã bắt đầu mạnh lên. Tại huyện Quỳnh Lưu, gió đang giật cấp 4 cấp 5, tại đảo Ngư (Cửa Lò), gió gật cấp 7 cấp 8. Một số địa phương có mưa lớn. Tại TP Vinh, lượng mưa đo được đến 16 giờ chiều nay là gần 100 mm, khiến một số tuyến đường nội thị bị ngập nước.

Chiều nay, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã đến huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi được dự báo là tâm bão đi qua để kiểm tra và đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão.

Người dân thị xã Cửa Lò tháo dỡ các quán ăn ven biển trước lúc bão đổ bộ

Gió bão giật cấp 7 cấp 8 tại đảo Ngư, Cửa Lò

Tại Ninh Bình, chiều 30.7, tại vùng biển H.Kim Sơn, Ninh Bình đã có gió bão giật cấp 7-8 kèm theo mưa to, lực lượng bộ đội Biên phòng phối hợp với các xã ven biển đã hoàn tất công tác di dân, đồng thời tiếp tục gia cố bảo vệ an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thuỷ sản và vùng nguy hiểm bãi bồi ven biển.

Chiều cùng ngày toàn bộ 122 phương tiện với 244 lao động đang hoạt động trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng Biên phòng đã kêu gọi trên 700 lao động tại 248 lều đang trông coi ngao ngoài vùng bãi bồi Cồn Nổi vào bờ an toàn và hơn 920 hộ với trên 1.600 nhân khẩu về nơi trú bão an toàn.

Lực lượng công an các xã phối hợp với công an, dân quân tự vệ, thành lập các chốt ngăn không cho người dân ra vùng ngoài đê biển, đồng thời bảo vệ tài sản cho người dân 24/24 đến khi bão tan.

Hiện tại UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo địa phương cần phải tích cực sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời, dự trữ thuốc men, thực phẩm chuẩn bị trước mọi tình huống xấu xảy ra, đồng thời chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi triển khai phương án chống ngập, tiêu nước bảo đảm an toàn cho diện tích lúa mùa và cây màu đã gieo trồng…

Đến 18 giờ cùng ngày, theo thông tin từ Trung tâm PCLB tỉnh Ninh Bình, hiện vẫn chưa có thiệt hại nào về người và tài sản.

Người dân tại các lêu nuôi tôm đã được đưa vào nơi trú ẩn an toàn

Bộ độ biên phòng giúp dân gia cố nhà cửa

Hà Tĩnh: Các huyện ven biển ứng phó với bão 

Công tác đối phó cơn bão số 3, được triển khai mạnh tại các vùng biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCBL, có 3.797 tàu thuyền với 13.717 lao động tàu cá đã nắm được thông tin về bão số 3 vào nơi cư trú an toàn. Trong đó, có 13 tàu với 78 người trú ở Đà Nẵng-Quảng Ngãi; 103 tàu với 535 lao động trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa, số còn lại trú ở trong tỉnh.

Tại huyện Cẩm Xuyên, đến chiều nay, 4 tàu của ngư dân địa phương bị kẹt ngoài biển đã được nối kết thông tin và đưa vào bờ an toàn. Hàng trăm hộ dân tại các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Hòa đã đưa đi sơ tán an toàn.

Công tác ứng phó tại huyện Lộc Hà triển khai khá tốt, có 315 tàu thuyền của địa phương với 1.379 thuyền viên vào khu neo đậu tránh trú bão Thạch Kim và 61 tàu tỉnh bạn với 225 thuyền viên. Tại bờ biển Xuân Hải, Cửa Sót sóng nổi mạnh, dâng cao gần 4m. Hàng trăm hàng quán kinh doanh, du lịch đóng cửa, sơ tán.

Riêng bãi biển Cửa Sót, gần 50 tàu thuyền của các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng đang trú ẩn, neo đậu an toàn.

Ngoài tập trung ứng phó bão tại các tuyến biển, các huyện miền núi: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… cũng sẵn sàng phương án đề phòng sạt lở, lũ quét tại các huyện miền núi.


 

Lực lượng bộ đội Biên phòng giúp dân xã Thạch Kim chằng chéo, neo đậu tàu thuyền an toàn trước cơn bão số 3

Khu vực bờ biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà gió mạnh, khiến nhiều ngôi nhà sập đổ

Các bờ biển tại huyện Lộc Hà gió lớn, sóng nổi mạnh

Nhiều tàu thuyền của các tỉnh khác đã được trú ẩn an toàn tại bờ biển huyện Lộc Hà

Tin, ảnh: Khánh Hoan - Trương Hoa - Ngọc Minh - Cường Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.