Bóng ma khủng bố cực hữu ở châu Âu

26/07/2011 01:00 GMT+7

Vụ tấn công kép tại Na Uy ngày 22.7 gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ khủng bố cực hữu vốn đang bị lãng quên ở châu u.

Hung thủ Anders Behring Breivik thừa nhận đã đặt bom tại khu trung tâm thủ đô Oslo của Na Uy, sau đó điên cuồng xả súng tại trại họp mặt của đoàn thanh niên đảng Lao động cầm quyền trên đảo Utoeya. Các tài liệu thủ phạm từng viết và đưa lên internet trước đó sặc mùi cực hữu với các tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo và chống lại xã hội đa văn hóa. Breivik công khai bày tỏ ý định “dùng chủ nghĩa khủng bố như phương tiện làm thức tỉnh công chúng”, theo tờ Le Figaro. Breivik gần như “phác họa” những hành động tàn bạo của mình trong các tập tài liệu công khai trên internet từ cách đây vài năm nhưng không một cơ quan an ninh Na Uy nào phát hiện ra.

Mối họa bị bỏ quên

Sau vụ khủng bố 11.9.2001, các nước châu u tăng cường công tác an ninh nhưng hầu như chỉ tập trung vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Nguy cơ từ các băng nhóm cực hữu thường chỉ được đánh giá ở mức “gây rối trật tự công cộng”. Hầu như ít có cơ quan cảnh sát nào ở châu u đưa hoạt động cực hữu vào danh mục khủng bố. Trong khi đó, khi bị kích động, những kẻ như Breivik hoàn toàn có thể gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng như vừa qua.

 
Khủng bố cực hữu gây ra bi kịch quá lớn cho người dân Na Uy - Ảnh: AFP

Reuters dẫn lời một số chuyên gia nhận định vụ tấn công kép ngày 22.7 có thể xem là một sự kiện “Oklahoma của châu u”. Năm 1995, phần tử cực hữu Timothy McVeigh gài bom vào xe hơi trước một tòa nhà ở thành phố Oklahoma của Mỹ làm 168 người thiệt mạng. Trước vụ tấn công chấn động này, Washington cũng không kiểm soát gắt gao hoạt động của các băng nhóm cực hữu, tương tự như tại châu u khoảng 10 năm trở lại đây.

Một nguyên nhân khác ngoài “nỗi ám ảnh al-Qaeda” khiến cảnh sát châu u đánh giá thấp mối đe dọa của khủng bố cực hữu là các phần tử này thường hành động đơn lẻ. Các đảng phái, băng nhóm chỉ đóng vai trò truyền bá tư tưởng, chứ không phối hợp tổ chức các vụ tấn công như những mạng lưới khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ngoài vụ Oklahoma, năm 1999, David Copeland, một kẻ theo trường phái phát xít mới người Anh, đã đặt bom tại khu nhà của dân nhập cư và đồng tính ở London làm 3 người thiệt mạng. Trong thảm kịch ở Na Uy, Anders Behring Breivik cũng khẳng định chỉ thực hiện một mình.

Yếu tố kích hoạt

Một bản báo cáo của Interpol năm 2010 đánh giá các băng nhóm cực hữu đang hoạt động chuyên nghiệp hơn, đặc biệt trong việc truyền bá tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo, bài Do Thái và nhận định “đây vẫn là mối đe dọa cho các nước EU”.

Luồng nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Phi đến châu u nói chung và Bắc u nói riêng đang tăng mạnh, đi kèm theo đó là những hệ lụy xã hội khá phức tạp. Riêng tại Na Uy, số dân nhập cư tăng vọt từ giữa thập niên 1990 và hiện vào khoảng 500.000 người, tức 10% dân số nước này.

Mặt khác, khủng hoảng toàn cầu cũng khiến người dân Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… vốn có mức sống rất cao phải âu lo hơn về chuyện kinh tế. Những yếu tố này là “chất xúc tác” khiến phong trào cực hữu phát triển mạnh, đặc biệt từ hơn 1 năm nay. Cực hữu len lỏi vào Quốc hội Hungary, vươn lên mạnh mẽ tại kỳ tổng tuyển cử ở Hà Lan, tham gia vào Chính phủ Đan Mạch, giành thắng lợi tại Phần Lan…

Trong báo cáo hồi tháng 2.2011, Cơ quan an ninh Na Uy (PST) cũng bày tỏ lo ngại vì các tổ chức cực hữu đang tăng cường hoạt động. Theo PST, các phần tử cực hữu Na Uy có nhiều mối liên hệ với cực hữu Thụy Điển và một số nước châu u khác, kể cả Nga. Mà những tên đầu trọc phát xít mới tại Nga thì khét tiếng với những vụ hành hung, giết hại người nước ngoài. Nếu không có kế hoạch ngăn chặn hữu hiệu, những vụ tấn công đơn lẻ sẽ phát triển và biến tướng thành hành động có hệ thống và các phần tử cực hữu sẽ trở thành khủng bố thực thụ. Tờ Novoie Vremia dẫn lời đại diện Văn phòng nhân quyền Moscow nhấn mạnh: “Những băng nhóm này được trang bị vũ khí, huấn luyện đặc biệt và chế tạo thuốc nổ. Chúng có thể là mối đe dọa thật sự đối với an ninh chung”. 

Anders Behring Breivik ra tòa

Trong phiên xử kín ngày 25.7, một tòa án ở Oslo phán quyết thủ phạm vụ tấn công kép Anders Behring Breivik sẽ bị giam không cho bảo lãnh trong 8 tuần. AFP dẫn lời Thẩm phán Kim Heger cho hay trong 4 tuần đầu, người này sẽ bị biệt giam hoàn toàn. Trong phiên tòa, Breivik thừa nhận gây ra vụ đánh bom và thảm sát nhưng cho rằng mình “không phạm tội gì cả”. Ngoài ra, hắn khai “trong tổ chức của tôi còn hai mắt xích nữa”. Cảnh sát đang tích cực điều tra liệu Breivik có được hỗ trợ trong vụ tấn công kép hay không. Vụ khủng bố đã làm dấy lên những lời kêu gọi Na Uy áp dụng lại án tử hình vì mức án cao nhất của nước này là 21 năm tù.     

Đến chiều qua, cảnh sát Na Uy thông báo giảm số người thiệt mạng trong vụ khủng bố kép còn ít nhất 76 người, so với con số 93 người trước đó. Trong đó, 8 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại Oslo còn số người chết ở Utoeya giảm còn 68 người. AFP dẫn lời cảnh sát cho hay tình hình hỗn loạn ban đầu khiến việc thống kê không chính xác. Tuy nhiên, số thương vong có thể sẽ còn thay đổi vì cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Cũng trong hôm qua, Hoàng gia Na Uy thông báo ông Trond Bernsten, anh của công nương Mette-Marit, là một trong số 68 nạn nhân bị Breivik bắn chết trên đảo Utoeya. Theo tờ Verdens Gang, ông Bernsten là một cảnh sát nhưng lúc vụ thảm sát xảy ra ông không làm nhiệm vụ mà đang cùng con trai tham gia hội trại. Sau khi thấy con mình đã ẩn nấp an toàn, Bernsten tìm cách khống chế Breivik nhưng bị y hạ gục. Ông Bernsten là con trai người chồng thứ hai của mẹ công nương Mette-Marit. Công nương thành hôn với thái tử Na Uy Haakon vào năm 2001. 

Lê Loan

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.