Bệnh tay chân miệng diễn tiến bất thường

26/07/2011 00:33 GMT+7

Hiện nay bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn chưa có điểm dừng, tiếp tục xảy ra với số lượng nhiều hơn mọi năm.

 

Khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP.HCM - ảnh: Diệp Đức Minh

Tử vong nhanh hơn

Tại buổi làm việc giữa Viện Pasteur TP.HCM và các đơn vị y tế dự phòng, các bệnh viện phía Nam về tình hình dịch bệnh TCM mới đây, báo cáo của các bác sĩ khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho biết, bệnh TCM diễn tiến theo các cấp độ: độ 1 - biểu hiện bằng loét miệng, nổi hồng ban; độ 2A - rối loạn thần kinh nhẹ; độ 2B - rối loạn thần kinh nặng; độ 3 - có biến chứng hô hấp tuần hoàn; độ 4: biến chứng hô hấp tuần hoàn nặng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, có những ca bệnh đang ở độ 1 đã diễn tiến nhanh sang độ 3, mà không theo trình tự nói trên.

Triệu chứng thần kinh là hay gặp nhất ở trẻ mắc TCM, biểu hiện bằng giật mình trong lúc trẻ lim dim ngủ. Nhưng cũng có một số ca bệnh triệu chứng thần kinh kín đáo, không rõ ràng, khó phát hiện, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở tình trạng nặng (độ 3, 4). Phần lớn bệnh TCM xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, như ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong số trẻ mắc TCM vào bệnh viện này, có đến 72% bệnh nhi nam, chỉ 28% là bé gái. Bác sĩ cũng chưa giải thích nguyên nhân vì sao trẻ trai lại mắc TCM nhiều hơn. Lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 1-3 tuổi.

Đáng lưu ý, trong năm 2010, có 4 trẻ mắc TCM tử vong tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2, và không có trường hợp nào tử vong khi mới vào khoa Cấp cứu. Nhưng chỉ mới đến tháng 7 năm nay, đã có 5 trường hợp bệnh TCM nặng tử vong khi mới vào khoa Cấp cứu, và 12 trường hợp tử vong tại khoa Nhiễm của bệnh viện này.

Chưa hẳn do thay đổi phân nhóm virus

Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng bệnh, và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đa phần, nếu bệnh nhẹ thì khoảng 2-3 ngày trẻ sẽ lui bệnh. Một số trường hợp nặng, cần được theo dõi tại bệnh viện để bác sĩ kịp thời xử trí các biến chứng xảy ra để trẻ không nguy kịch. Các chuyên gia đến từ Malaysia tham dự buổi làm việc nói trên cho biết, hiện vắc-xin phòng TCM đang còn trong các bước thử nghiệm, hy vọng khoảng 2-3 năm nữa sẽ hoàn thành.

Theo thống kê, trong số hơn 20 ngàn ca mắc bệnh TCM của cả nước tính từ đầu năm đến nay, phía Nam chiếm đến 17.651 trường hợp. Còn số tử vong trên cả nước đã vọt lên 59 ca (phía Nam chiếm 55 ca; trong khi cả năm 2010 phía Nam chỉ có 6 ca tử vong) - các con số trên tính đến trước ngày 21.7. TS-BS Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, nhiều người đặt câu hỏi tại sao năm nay bệnh TCM tăng cao như thế, phải chăng do có sự thay đổi subtype virus gây bệnh. Theo ông Hữu, việc thay đổi subtype virus từ (phân nhóm virus)từ C5 sang C4 là chưa đủ để bệnh tăng nhiều như vậy, mà chúng ta cần đánh giá sâu hơn về mặt lâm sàng, dịch tễ học... để nắm rõ những tác nhân khiến bệnh tăng cao.

Trước tình trạng hằng năm bệnh TCM xảy ra tập trung chủ yếu ở phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM cùng các đơn vị y tế sẽ thành lập hệ thống giám sát dịch bệnh TCM trong thời gian tới. Qua hệ thống giám sát sẽ xác định được chủng virus gây bệnh lưu hành ở phía Nam, và nắm được tính chu kỳ của dịch bệnh.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.