Âm thầm phim hoạt hình lịch sử

25/07/2011 23:04 GMT+7

Trong khi phim truyện và truyền hình lịch sử bắt đầu được chú ý nhiều hơn trong khoảng 2-3 năm trở lại đây thì từ hàng chục năm trước chúng ta đã có nhiều phim hoạt hình về đề tài này. Tuy nhiên, phim làm ra lại hiếm khi đến được với người xem.

 

Người con của Rồng - phim hoạt hình hiếm hoi được quảng bá rộng rãi - ảnh: Hãng phim hội điện ảnh cung cấp

Các nhà làm phim truyện, truyền hình lịch sử vẫn than thở gặp nhiều khó khăn từ kinh phí đến việc tìm bối cảnh, chọn diễn viên phù hợp với hình mẫu nhân vật lịch sử… Trong khi đó, làm phim hoạt hình chi phí thấp hơn. Các nhà làm phim có thể thỏa sức tạo hình nhân vật theo trí tưởng tượng, dựng bối cảnh hoành tráng... Nói như vậy không phải là làm phim hoạt hình lịch sử thì dễ dàng, nhưng dễ nhận thấy loại hình này có nhiều thuận lợi hơn cho các nhà làm phim. Hơn nữa, phim hoạt hình lại gần gũi, dễ chuyển tải nội dung cho khán giả nhỏ tuổi.

Lặng lẽ lên sóng

Ngoại lấn phim nội

Theo đạo diễn Phạm Minh Trí, nhiều khi đài truyền hình trả giá bản quyền phim hoạt hình Việt Nam thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Các hãng phim không muốn bán vì lỗ, đành ngậm ngùi cất kho. Trong khi, giá bản quyền phim hoạt hình nước ngoài lại rẻ hơn nhiều so với trong nước. Phim hoạt hình Việt (trong đó có hoạt hình lịch sử) vì thế càng ít cơ hội đến với khán giả.

Từ năm 2005, xưởng phim hoạt hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) đã khởi động dự án dài hơi - sản xuất bộ phim hoạt hình Chiếc giếng thời gian (khoảng 100 tập), xoay quanh các câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử từ thời kỳ dựng nước cho đến tiền cận đại - với kinh phí đầu tư hơn 100 tỉ đồng.

Phải 2 năm sau, những tập phim đầu tiên mới hoàn thành. Đạo diễn Phạm Minh Trí cho biết đến nay trung tâm đã sản xuất được gần 80 tập phim. Như vậy, Chiếc giếng thời gian đã đi gần hết chặng đường, vậy mà dấu ấn để lại cho khán giả còn quá mờ nhạt. Hầu hết các tập phim sản xuất ra không được quảng bá, giới thiệu tới đông đảo công chúng, mà chỉ lên sóng một cách lặng lẽ.

Phim phát sóng trên kênh VTV2 - không phải kênh truyền hình giải trí, đối tượng khán giả không có nhiều em nhỏ. Hơn nữa, lượng phim sản xuất ra mỗi năm quá ít, không đủ phát liên tục, định kỳ. Bên cạnh đó, lại chiếu vào khung giờ khó xem và không cố định, muốn theo dõi tập tiếp theo cũng không thể chủ động.

Ông Nguyễn Nhân Lập - Phó giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, cho hay mỗi năm hãng sản xuất theo chỉ tiêu trung bình 10 phim (10 phút/phim), trong đó có phim về đề tài lịch sử. Nhưng không mấy khán giả được thưởng thức, biết đến những bộ phim này. Chẳng hạn như Giấc mơ Loa Thành (đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn) hoàn thành vào năm ngoái, được nghiệm thu rồi cũng... cất kho. Bộ phim hoạt hình lịch sử 3D Người con của Rồng (Hãng phim Hội Điện ảnh VN sản xuất, đạo diễn: Phạm Minh Trí) có lẽ là trường hợp may mắn hiếm hoi. Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau những ngày công chiếu tại rạp Kim Đồng (Hà Nội), phim được phát sóng trên truyền hình.

Có đi lại đường cũ?

 Một đề án dài hơi đầu tư cho phim hoạt hình lịch sử có tên Giáo dục truyền thống, lịch sử yêu nước và cách mạng cho thiếu niên và nhi đồng qua phim hoạt hình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hãng phim hoạt hình Việt Nam thực hiện rục rịch cách đây vài năm và chính thức được phê duyệt vào cuối năm 2010, với kinh phí dự trù lên đến hơn 100 tỉ đồng. Ông Nguyễn Nhân Lập cho biết theo đề án thì mỗi năm hãng sẽ sản xuất 5-6 bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử (trung bình 6-10 phút/phim).

Cũng theo ông Lập, đề án đã tính đến “đầu ra” cho phim hoạt hình. Với sự phối hợp của nhiều đơn vị, phim được phát hành dưới dạng đĩa DVD, trình chiếu tại các trường học. Ngoài ra, các bộ phim cũng sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người e ngại không biết liệu đề án lần này có đi lại con đường cũ của Chiếc giếng thời gian?

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.