Hướng dẫn thực thi DOC rất cần thiết nhưng chưa đủ

23/07/2011 00:35 GMT+7

Trong khuôn khổ các hội nghị ở Bali, Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc vừa thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) vào ngày 21.7.

Trả lời phỏng vấn qua thư điện tử của Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế cho rằng đây là một bước tiến quan trọng và có ý nghĩa trong quá trình khắc phục bất đồng về chủ quyền ở biển Đông trên tinh thần hợp tác và hòa bình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng khẳng định yếu tố mấu chốt để giải quyết tranh chấp trong tương lai vẫn phải là một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý.

 

Ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp tại biển Đông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đánh giá của ông về hướng dẫn thực thi DOC vừa được ASEAN và Trung Quốc thông qua?

Tiến sĩ (TS) Alan Chong Chia Siong, trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore): Đây là cách ASEAN thường hướng tới khi giải quyết bất đồng. Quy tắc quan trọng nhất là đảm bảo các bên liên quan ít nhất cũng tìm được tiếng nói chung nào đó trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia. Do đó, tôi cho rằng tìm được một giải pháp như đưa ra hướng dẫn thực thi DOC này vẫn tốt hơn là tiếp tục bế tắc.

TS Mark J.Valencia, Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á (Mỹ): Lẽ dĩ nhiên, nó là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta bàn về các chi tiết cụ thể vì còn nhiều chi tiết lỏng lẻo xung quanh văn bản này.

Đâu là những điểm chưa hoàn thiện của hướng dẫn này, thưa ông?

TS Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore: Đầu tiên, nó không đưa ra được những điều khoản cụ thể và chi tiết nào. Trong khi hướng dẫn thực thi DOC kêu gọi hợp tác từ các bên liên quan, bao gồm các biện pháp xây dựng niềm tin, tôi lại không thấy hướng dẫn này chỉ ra được bản chất và phạm vi của những biện pháp đó là gì. Ngoài ra, hướng dẫn này cũng không đưa ra được thời điểm cụ thể để tiến đến chính thức xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Ông Iskander Rehman, nghiên cứu sinh quốc tế của Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng (Ấn Độ): Hướng dẫn thực thi DOC chưa thể giúp trực tiếp giải quyết các bất đồng hiện nay trên biển Đông. Tuy nhiên, cũng đừng quá kỳ vọng rằng một COC chính thức cho cả khu vực sẽ có vai trò như một phương thức chữa bá bệnh. Theo tôi, cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ phải cho ra đời của một hiệp ước quốc tế để giải quyết các bất đồng. Vì có nguy cơ một quốc gia nào đó viện dẫn luật pháp của nước mình để tuyên bố chủ quyền (dù là vô căn cứ) trên biển Đông và không chấp hành những điều khoản được quy định trong DOC hay COC.

Sau khi hướng dẫn thực thi DOC được thông qua, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc ASEAN tiếp tục đàm phán các vấn đề về biển Đông với Trung Quốc trên cơ sở đa phương?

TS Valencia: Điều đó vẫn cần thiết. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết chấm dứt việc đàm phán song phương giữa các quốc gia có quyền lợi liên quan. Hai tiến trình trên không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau và một bước ngoặt trong tiến trình này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình còn lại.

TS Siong: Phương thức đàm phán đa phương sẽ luôn cho phép các bên liên quan mang vấn đề bất đồng đặt lên chương trình nghị sự của các diễn đàn an ninh khu vực mở rộng. Ở đó, các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Nga, hay Mỹ chắc chắn sẽ rất quan tâm và có tiếng nói của mình.

Theo đó, Mỹ sẽ có tiếng nói như thế nào tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18, khai mạc hôm nay tại Bali, Indonesia - PV)?

TS Valencia: Quan tâm cao nhất của Mỹ ở biển Đông luôn là an toàn và tự do lưu thông hàng hải và Mỹ chắc chắn sẽ tái khẳng định điều này. Do vậy, nước này luôn muốn các vấn đề liên quan đến biển Đông được giải quyết trên cơ sở hòa bình và sẽ dùng ảnh hưởng của mình để đạt được điều đó.

Vậy còn vai trò của ASEAN cho đến lúc này, thưa ông?

TS Valencia: Đã đến lúc ASEAN đi đầu trong các vấn đề an ninh khu vực. ASEAN cần làm cho tất cả các quốc gia ở châu Á hiểu cặn kẽ thế nào là hành động thù địch và không thù địch ở các vùng tranh chấp. Theo đó, ASEAN cần tiến hành đàm phán một tuyên bố ứng xử tương tự như DOC nhưng tập trung vào các động thái quân sự tại vùng đặc quyền kinh tế. Ngôn ngữ của tuyên bố này cần tránh rơi vào lối diễn đạt tối nghĩa và mập mờ để tránh những lối diễn dịch khác nhau. Bước tiếp theo là mời Trung Quốc tham gia ký kết tuyên bố này. Việc Trung Quốc đồng ý tham gia ký tuyên bố trên sẽ là bằng chứng để nước này chứng tỏ thiện ý giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông.

An Điền
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.